Chứng khoán

Nhận định chứng khoán 10/9: “Xu hướng vẫn là đi xuống”

VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 10/9...

VCSC cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục thử thách các mức hỗ trợ mạnh của xu hướng trung hạn là 466 – 470 của chỉ số VN-Index và 59.5 của chỉ số HNX-Index trong phiên ngày mai.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/9, VN-Index không giữ được đà tăng điểm mà tiếp tục giảm khá mạnh với mức giảm 9,87 điểm xuống 470,16 điểm. Tương tự, HNX-Index tiếp tục giảm 0,79 điểm xuống mức 59,67 điểm.

Giao dịch cần được hạn chế

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)

“Thị trường đảo chiều đi xuống khá mạnh với thanh khoản tăng cao như phiên hôm nay cho thấy áp lực bán tiềm ẩn là khá lớn và điều này sẽ còn có thể khiến cho đà giảm tiếp diễn trong một vài phiên tới.

Theo đó, chúng tôi tiếp tục bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu tiếp theo từ thị trường và khối ngoại; giao dịch vẫn cần được hạn chế khi mà chưa xuất hiện yếu tố tích cực đủ mạnh để khiến xu thế thị trường thực sự cân bằng trở lại”.

Giảm giá vốn kết hợp với tái cơ cấu danh mục

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái bất ổn trước những diễn biến tiêu cực của thị trường tài chính thế giới gần đây. Đây là một yếu tố khách quan, rất khó nhận định nhưng điều có thể nhìn nhận khá rõ là xu hướng giảm điểm, đặc biệt tại các thị trường mới nổi trong khu vực, nhiều khả năng sẽ chưa kết thúc bất chấp những tín hiệu hồi phục ngắn hạn từ tuần trước. Diễn biến này sẽ là rủi ro lớn nhất đối với xu thế ngắn hạn của thị trường chứng khoán trong nước mặc dù các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần cho tín hiệu được cải thiện.

Ở bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp nhằm giữ một vị thế trong trung hạn nhưng có thể hạn chế rủi ro trong ngắn hạn. Việc quay vòng một phần tỷ trọng – bán khi thị trường hồi phục chạm kháng cự và chờ mua lại ở các phiên giảm sâu về lại hỗ trợ sau đó – có thể được thực hiện nhằm giảm giá vốn kết hợp với việc tái cơ cấu danh mục đầu tư”.

Hạn chế giao dịch khi VN-Index xuyên qua 468 điểm

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)

“Cách giảm điểm, kiểm tra lại đáy của VN-Index hôm nay khiến chúng tôi khá bất ngờ. Rủi ro đột ngột tăng cao trở lại khi kỳ vọng kiểm tra thành công đáy 468 điểm phiên ngày mai là rất mong manh. Mất 468-470 điểm, thị trường được đối mặt với vùng trống giảm giá mạnh trước khi có khả năng cân bằng lại được tại quanh 450 điểm.

Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch khi VN-Index xuyên qua 468 điểm vì lúc này quá trình dò đáy mới lại bắt đầu”.

Thị trường vẫn xuống

(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB – MBS)

“Thị trường đi xuống với hai chỉ số cùng mất điểm mạnh. VN-Index và HNX-Index hình thành nến đen thân lớn và có bấc rất ngắn. HNX-Index tiếp tục tạo đáy mới, khẳng định lại xu hướng xuống. Các chỉ báo kỹ thuật cũng biến động theo hướng giảm cùng chiều với chỉ số. Như vậy xu hướng của thị trường hiện tại vẫn là xuống, nhà đầu tư chưa nên mua vào”.

Chưa vội bắt đáy

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC)

“Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục thử thách các mức hỗ trợ mạnh của xu hướng trung hạn là 466 – 470 của chỉ số VN-Index và 59.5 của chỉ số HNX-Index trong phiên ngày mai, nhưng chúng tôi vẫn lo ngại áp lực bán có thể sẽ gia tăng và các mức hỗ trợ này bị phá vỡ cho nên vị thế bắt đáy lúc này vẫn có độ rủi ro cao.

Trong trường hợp các mức hỗ trợ trên bị phá vỡ thì mức hỗ trợ tiếp theo của xu hướng giảm ngắn hạn là vùng giá 440 của chỉ số VN-Index và 57.5 của chỉ số HNX-Index. Do đó, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng ở giai đoạn này và các nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy vì khả năng giảm sâu vẫn còn rất lớn”.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo