Môi trường

Nhật ký FDI giấc mơ xanh và sạch

Có lẽ chưa năm nào các doanh nghiệp nước ngoài quảng bá về kinh doanh xanh vào Việt Nam rầm rộ như năm nay. Từ các dự án dân sinh bản thôn về nước sạch, vệ sinh môi trường, đường làng… đến các đầu tư hệ thống quốc gia; là chủ đề trao đổi của lãnh đạo các nước đến Việt Nam hay trên bàn nghị sự của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đưa ra “mặc cả” với Chính phủ.

Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian trong buổi dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước tại TP.HCM, đã không ngừng quảng bá cho doanh nghiệp mình bằng lịch sử 30 năm của ngành công nghiệp điện gió đưa quốc gia này thành nhà xuất khẩu năng lượng sạch lớn nhất thế giới. “

 

Nguyên nhân của sự phát triển đó từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu thập niên 1970 đánh vào nền kinh tế Đan Mạch, người dân thiếu khí đốt, xe hơi không được ra đường. Chiến lược quốc gia phát triển sạch từ đó bắt đầu”, Knud Bjarne Hansen, chủ tịch Vestas Towers chia sẻ.

 

Vestas đưa ra con số khảo sát, Việt Nam giàu năng lượng gió nhất ASEAN, về lý thuyết, tiềm năng này lên đến 513GW, gấp sáu lần nhu cầu điện của Việt Nam năm 2020. Về kỹ thuật hiện có thể triển khai được 2,4GW. 37 dự án với công suất hơn 3GW đang được các nhà đầu tư lên kế hoạch với tầm nhìn Việt Nam sẽ phải xem đây là lợi thế để tăng trưởng công nghiệp và kinh tế.

 

Việc hình thành thị trường năng lượng thay cho cơ chế độc quyền hiện nay, theo các nhà đầu tư, dù muộn nhưng sẽ diễn ra. Gavin Smith, giám đốc quỹ phát triển sạch Mekong, tại diễn đàn quỹ đầu tư 2011 cho rằng nhiều tổ chức phi lợi nhuận đang hỗ trợ cho các địa phương với niềm tin rằng thị trường năng lượng sạch, trao đổi carbon là tiềm năng cho dù việc đầu tư là rủi ro trong ngắn hạn.

 

Diễn đàn kinh doanh xanh (GreenBiz) được hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức thường niên như một chương trình truyền thông xã hội, lôi kéo các nhà quản lý xã hội, cung ứng công nghệ, nhà tư vấn hay cấp vốn tham gia cuộc chơi. Các chủ đề phát triển thành phố biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng là quan trọng bởi Việt Nam sẽ đối mặt với 70% dân số đô thị vào năm 2030. GS Peter Droege, chủ tịch hội đồng Thế giới về năng lượng tái tạo, cho rằng để có giải pháp môi trường với chi phí có lợi nhất, không chỉ cần chính sách mà chính yếu ở cách tư duy và năng lực quản trị đổi mới công nghệ từ cấp chính phủ đến doanh nghiệp.

Các quỹ đầu tư đã đưa “tặng phẩm thiên nhiên” của Việt Nam lên bàn cơ hội với bờ biển dài hàng ngàn cây số, là nền tảng cho công nghệ đại dương phát triển, từ cát, gió, sóng, ánh nắng mặt trời cho đến các khu du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp đóng tàu, khai khoáng, đánh bắt... đâu đâu cũng có thể là không gian cho tăng trưởng. Các nhà rót vốn tin rằng những đồng tiền bỏ vào đây sẽ tạo ra các ngành dịch vụ tăng trưởng phái sinh và cho lợi nhuận cao từ nền kinh tế biển. Trong lúc chờ Việt Nam có một chiến lược rõ ràng thì đồng tiền đi trước luôn là đồng tiền khôn!

 

Dự báo những lĩnh vực giúp Việt Nam có thể bứt phá trong nhiều năm tới là các giải pháp xanh, các mô hình kinh doanh bằng ý tưởng như công nghệ thông tin và nông nghiệp. Đây là hành trang cho các doanh nghiệp tư nhân mới nổi thay cho trào lưu đầu tư bao cấp, tận dụng tài nguyên, đổ xô vào bất động sản hay chứng khoán đang làm nghẽn mạch nền kinh tế. Một nền nông nghiệp đang xuất siêu hàng chục tỉ đôla mỗi năm, dù chủ yếu xuất thô, vẫn luôn mang lại sự thanh bình và chỗ neo đậu cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn nhất. Prakash Jhanwar, giám đốc khu vực quỹ đầu tư Olam, cho rằng vượt khỏi phạm vi nội địa, nền nông nghiệp đó càng quan trọng cho thế giới 9 tỉ người vào năm 2050.

 

Tuy nhiên, ít nhất cho đến thời điểm này, những giá trị xanh – sạch vẫn đang chịu tác động từ trào lưu bên ngoài cao hơn là những vận hành nội tại, vẫn đang là tiềm năng chứ chưa phải hiện thực. Và, những lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư đang nằm ở thì tương lai.

 

2011 cũng là năm rơi rụng của hàng loạt dự án tỉ đô. Những dự án vẽ chính thức được khai tử cho dù khi ra đời đã có dự báo kết cục. Khủng hoảng kinh tế như gã cơ hội đã “vạch lưng” những nguy cơ tiềm ẩn trong dòng chảy FDI. Theo TS Trần Kim Chung, viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, những nguy cơ rủi ro rõ nhất là: thổi phồng vốn và lợi nhuận; yêu cầu lớn về nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và đất đai; gây ô nhiễm môi trường; phá vỡ quy hoạch; sử dụng công nghệ lạc hậu; gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá trong tương lai.

 

Làm sao “siêu dự án” chục tỉ đô chiếm 1/3 diện tích một tỉnh nhưng vẫn được cấp phép? Làm sao có quá nhiều sân gôn, sản xuất thép, khai khoáng... là mối đe doạ lên nguồn tài nguyên năng lượng và môi trường. Theo bộ Tài chính, năm 2010 chỉ riêng doanh nghiệp FDI ngành thép đã hưởng lợi hơn 500 tỉ đồng nhờ chính sách chéo giá của ngành điện.

 

2011 cũng là năm bàn luận nhiều đến chuyện báo lỗ, chuyện rút vốn ở doanh nghiệp FDI cổ phần hoá cho thấy những kẽ hở dễ dàng về định giá không xác thực tài sản, chuyển đổi để vốn hoá tài sản hay chuyển vốn ra bên ngoài. Vốn FDI giúp lưu thông dòng tiền, gia tăng sản xuất nhưng dòng vốn thực khác xa với những cam kết, kéo theo đó hàng trăm ngàn hecta đất nằm chờ khai thác. Sâu xa hơn là sự nhạy cảm xã hội, nhạy cảm môi trường, sự thiếu công bằng với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đang gặp trở ngại lớn về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác.

 

Thu hút FDI không chỉ dòng tiền, vì tiền là để có thị trường tiêu dùng hay sử dụng nguồn lao động. Các quốc gia xem đó là đòn bẩy nâng cấp trình độ lao động và tăng năng lực công nghệ. 20 năm qua việc thu hút FDI thiếu gắn kết với cấu trúc phát triển các ngành công nghiệp. Chính sách thị trường không khuyến khích các ý tưởng sáng nghiệp phái sinh, quy hoạch vĩ mô thiếu vắng không gian đầu tư R&D khiến các ngành công nghiệp phụ trợ vẫn “vườn không nhà trống”.

 

Một nhà đầu tư Nhật khi gặp vấn đề về thuế nhập khẩu linh kiện, đã lên tiếng sẽ xét lại việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam – nơi họ nhiều năm thống lĩnh vị trí số một thị trường xe máy. Tại sao một doanh nghiệp có quyền lợi thị trường lớn lại dễ dàng “hăm doạ” rời bỏ cuộc chơi? Và, “tiên trách kỷ”, cơ chế giám sát, kiểm tra rối rắm và chồng chéo, thiếu thực tiễn và minh bạch là lỗ hổng lớn trong toàn bộ môi trường kinh doanh, khiến doanh nghiệp hành xử theo cách riêng của mình, kể cả sự mặc cả!

 

Tinh thần kinh doanh hiện đại là cùng thắng (win–win), là chính đạo cho việc phát triển bền vững. Trong dòng chảy đó nếu không có một tư duy mới về thu hút FDI, một cơ chế “sạch” hay môi trường kinh doanh “sạch” vận hành như một hàng rào kỹ thuật, ứng xử cách công bằng và minh bạch, thì khó có thể kỳ vọng hay đòi hỏi vào sự tuân thủ, đóng góp hay cống hiến chính trực của doanh nghiệp cho nền sản xuất công nghệ hiện đại, lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao, bảo vệ môi trường hay thực hiện các cam kết dân sinh.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo