Môi trường

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến biến đổi khí hậu

Trong thời gian qua những yếu tố cực đoan từ biến đổi khí hậu như lụt, mặn, giông lốc…đã xảy ra thường xuyên ở khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, chế biến…của các doanh nghiệp trong vùng.

Tại Diễn đàn đối thoại chính sách “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL” diễn ra sáng 11/9/2015, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, trong thời gian qua những yếu tố cực đoan từ biến đổi khí hậu như lụt, mặn, giông lốc…đã xảy ra thường xuyên ở khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, chế biến…của các doanh nghiệp trong vùng. 

Diễn đàn đối thoại chính sách “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL” diễn ra ngày 11/9/2015.
Diễn đàn đối thoại chính sách “Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL” diễn ra ngày 11/9/2015.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm, còn hạn chế trong việc nhận diện tác động của biến đổi khí hậu để đề ra giải pháp giảm thiểu thiệt hại…

Theo thống kê từ các ngành chức năng, tính đến năm 2014 toàn vùng ĐBSCL có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 870.000 lao động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 73%. Vùng ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đồi khí hậu, căn cứ vào kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 2,5-3,7 độ C, nước biển dâng trung bình từ 0,8m đến 01 m… theo đó khoảng 39% diện tích ĐBSCL bị ngập nước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngập lụt ở khu vực nội thị TP. Cần Thơ trong thời gian qua không chỉ gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, sinh hoạt người dân… mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành thương mại - dịch vụ.
Ngập lụt ở khu vực nội thị TP. Cần Thơ trong thời gian qua không chỉ gây thiệt hại cơ sở hạ tầng, sinh hoạt người dân… mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành thương mại - dịch vụ.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Rau quả Thực phẩm An Giang (gọi tắt là công ty Antesco) thống kê, trong khoảng 5 năm gần đây ảnh hưởng từ các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu đã khiến cho khoảng 700m2 đất của công ty này đang có nguy cơ sạt lở, mỗi năm có 10 đến 15 ha nguyên liệu của công ty bị mất do triều cường, nước lũ, nắng hạn, đất nhiễm mặn nông dân mất mùa công ty phải bồi thường gần 2 tỉ đồng cho khách hàng vì không có hàng giao,  mỗi năm nhà máy của công ty không thể sản xuất từ 10 đến 20 ngày không thể tiến hành sản xuất do thiên tai; thiệt hại về vật tư, tài sản trên 4 tỉ đồng…

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, 3 nhóm doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu là Ngành nông nghiệp cung ứng; Ngành công nghiệp chế biến và ngành thương mại - dịch vụ… “Nhưng qua khảo sát chính các doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu không cao, nhiều doanh nghiệp còn trông chờ vào nhà nước, thậm chí khi được hỏi, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng việc ứng phó với biến đổi khí hậu trách nhiệm là của Chính phủ, các Bộ, ngành quản lý…”- ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho hay.

 

TP. Cần Thơ là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu so với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, nhưng ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian qua Văn phòng Biến đổi khí hậu đã có nhiều động thái nhằm tiếp cận với các doanh nghiệp để tuyên truyền, tìm hiểu các giải pháp ứng phó của các doanh nghiệp như thế nào, song  có rất ít doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này…

Để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, cần có chương trình truyền thông toàn diện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin truyền thông về các dự báo của biến dổi khí hậu cho các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, trước khi triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cần khảo sát tình hình và nhu cầu của các doanh nghiệp, các ngành chức năng cần phối hợp tốt với các doanh nghiệp tại từng địa phương. Đồng thời cần làm rõ cho doanh nghiệp biết việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai không chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà còn là vì doanh nghiệp tuân thủ Luật phòng chống thiên tai. Ngoài ra, Chính phủ cần cụ thể hóa định hướng giải pháp bằng chính sách cụ thể, xây dựng lộ trình khả thi để doanh nghiệp tham gia… 

Theo Báo TNMT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo