Tin tức - Sự kiện

Nhiều trẻ nhập viện do viêm màng não

Liên tiếp những đợt nắng nóng gần đây khiến số trẻ bị bệnh viêm màng não nhập viện gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng hoặc tử vong.

 

Nhiều bệnh nhi nhập viện
 

Nếu như cùng kỳ năm trước, mỗi tháng Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ tiếp nhận rải rác vài ca viêm màng não, thì chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay, có tới gần 50 trường hợp nhập viện. Con số này từ đầu năm đến nay đã là 100 trường hợp.

 

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm màng não năm nay "vào mùa" sớm hơn do thời tiết khắc nghiệt. Điều đáng nói là qua điều tra, số lượng trẻ bị viêm màng não nhập viện đều mới được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi, vaccine chưa phát huy tác dụng.

 

Bên cạnh đó có một số trẻ đã lớn vẫn bị mắc, đồng thời cũng có nhiều trẻ mới dưới 6 tháng tuổi nhiễm bệnh. Tương tự, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây rải rác mỗi tuần có 1 - 2 ca bệnh thì những ngày gần đây có đêm phải tiếp nhận cùng lúc 4 trẻ nhập viện vì bệnh này.

 

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, Hà Nội chỉ giám sát các ca bệnh viêm não do mô cầu (là 1 trong 28 bệnh truyền nhiễm mà Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát). Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 5 trường hợp viêm màng não do mô cầu, trong đó 1 trường hợp tử vong.

 

Cần phát hiện và điều trị kịp thời

 

Theo ông Cảm, viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não, nguyên nhân có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.

 

Bệnh có thể xảy ra ở mọi nơi, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên, thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi) vào mùa nắng nóng, do thói quen sinh hoạt và thời tiết làm trẻ em thường hay mắc các bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp.

 

Diễn tiến bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: Nếu do vi trùng sẽ gây tử vong hay để lại di chứng nặng khi trẻ không được điều trị kịp thời. Còn nếu do siêu vi trùng bệnh sẽ tự khỏi cũng như đa số các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác (nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp gây ra cảm cúm, ho, sổ mũi; nhiễm siêu vi trùng đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, nôn).

 

Tuy nhiên, dù viêm màng não do vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của bệnh.

 

Tiến sĩ Cảm khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
 
 
Để phòng ngừa viêm não, viêm màng não ở trẻ, cần chú ý cho trẻ tiêm phòng khi 2 tháng tuổi và tiêm ngừa viêm não Nhật Bản khi tròn 12 tháng tuổi.
 
 
Nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, hoặc các dấu hiệu nặng như co giật, bỏ bú, bỏ ăn, li bì, hôn mê cần nhập viện để được điều trị, tránh những biến chứng khó lường.
 
 
 
Theo KTĐT

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo