Chính trị

Nhìn lại quá trình gia nhập IPU của Quốc hội Việt Nam

Qua 20 năm (1959-1979) kiên trì theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế, ngày 21-4-1979 Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Nghị viện Thế giới.

Trụ sở IPU tại Geneva, Thụy Sĩ.

 

Là cơ quan lập pháp của một quốc gia độc lập có chủ quyền, Quốc hội Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tham gia IPU, phù hợp với Điều 1 và Điều 3 của Điều lệ IPU. Quá trình tham gia IPU của Quốc hội Việt Nam diễn ra trong hơn 20 năm, qua các giai đoạn sau đây:

 

Giai đoạn thứ nhất (1957-1969). Sau khi Hiệp định Genène được ký kết ngày 20-07-1954, hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn này là tranh thủ các diễn đàn quốc tế để đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước. Ngay từ những năm đầu mới giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương tham gia IPU.

 

Tháng 09-1957, tại kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 46 ở London, do tác động của các Đoàn Quốc hội các nước XHCN, Hội nghị đã quyết nghị sẽ xem xét việc gia nhập IPU của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đó, Hội nghị cũng đã chấp nhận Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) vào IPU. Trước tình hình lúc bấy giờ, các Đoàn Quốc hội các nước XHCN, đặc biệt là Liên-xô và Tiệp-khắc đã nhiều lần đề nghị Quốc hội Việt Nam nên gia nhập IPU. Sau khi xem xét vấn đề này, Ban Thường trực Quốc hội đã bàn thảo và cho rằng, nếu Quốc hội ta gia nhập IPU thì sẽ có lợi về chính trị trong việc nâng cao uy tín và vị trí quốc tế của nước ta, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Nhưng việc tham gia IPU khi đó còn gặp một số trở ngại:

 

Thứ nhất là khi bỏ phiếu trong IPU thì phải nói rõ Quốc hội mình đại diện cho bao nhiêu dân số. Quốc hội ta do nhân dân toàn quốc bầu ra, nhưng nếu ta tự nhận là đại diện cho 25 triệu nhân dân cả nước thì chưa ổn. Còn nếu ta tuyên bố đại diện cho 14 triệu nhân dân miền Bắc thì như là chúng ta đã thừa nhận sự chia cắt của nước nhà.

 

Thứ hai là do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội ta 13 năm chưa được bầu lại. Các thế lực phản động có thể lợi dụng điểm đó để vận động bác bỏ đơn xin gia nhập IPU của Quốc hội nước ta.

 

Vì những lý do trên nên Ban Thường trực Quốc hội đã tạm gác vấn đề gia nhập IPU lại.

 

Mùa xuân năm 1959, tại kỳ họp lần thứ 48 của Đại hội đồng IPU họp ở Warsaw, Đoàn Liên-xô và Ba-lan lại đề cập vấn đề gia nhập IPU của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định đưa vấn đề này ra để báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

 

Tháng 05-1959, tại kỳ họp thứ lần thứ 10 của Quốc hội khóa I, họp tại Hà Nội, trong phiên họp riêng vào lúc 19 giờ 30 ngày 25-05-1959, Quốc hội đã bàn thảo vấn đề gia nhập IPU. Phiên họp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quyết định chủ trương gia nhập IPU của Quốc hội nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số lãnh đạo Quốc hội đã tham gia Đoàn Chủ tịch phiên họp. Ông Trần Đình Tri, Thư ký kỳ họp đã báo cáo và cho rằng: Điều kiện khách quan biến chuyển có lợi cho ta. Còn về chính sách đối ngoại của ta lúc này là cần ra sức tranh thủ tham gia nhiều diễn đàn và các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc và các các tổ chức tiến bộ khác để đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội thấy cần nêu vấn đề này ra để Quốc hội xem xét, nếu cân nhắc có lợi thì ta gia nhập IPU.

 

Sau khi nghe ông Trần Đình Tri báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ý kiến để Quốc hội bàn bạc dân chủ và đề nghị: “Quốc hội chỉ thảo luận tập trung vào vấn đề Quốc hội ta có nên gia nhập hay không nên gia nhập IPU”1. Sau khi thảo luận, Quốc hội nhất trí là Quốc hội ta nên gia nhập IPU để tỏ cho thế giới thấy thiện chí của ta với mọi hoạt động quốc tế có tính chất đoàn kết nhân dân các nước, đẩy mạnh sự hợp tác hòa bình cũng là một dịp để nêu cao ý nghĩa Quốc hội ta là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam.

 

Cuối phiên họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 231 đại biểu tham gia Liên minh Quốc hội. Quốc hội cũng thông qua Nội quy của Đoàn gồm 10 điều và Ban chấp hành với 16 thành viên, gồm Chủ tịch là ông Hoàng Văn Hoan (Phó Chủ tịch Quốc hội), 4 Phó Chủ tịch (ông Tôn Quang Phiệt, ông Xuân Thủy, ông Phạm Văn Bạch, ông Dương Đức Hiền), thư ký là ông Trần Đình Tri và 10 ủy viên.

 

Thực hiện Nghị quyết trên, Ban chấp hành Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Chủ tịch IPU Giuseppe Codacci-Pisanelli và Tổng Thư ký André de Blonay để gia nhập IPU. Nhưng lúc bấy giờ, trên thực tế tổ chức IPU bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc xin gia nhập IPU của Quốc hội nước ta, lấy lý do là để tìm hiểu thêm. Sau này, do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội ta không đặt vấn đề gia nhập IPU nữa.

 

Giai đoạn thứ hai 1969-1979. Đến đầu năm 1969, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến mới. Ngày 10-01-1969, Đảng đoàn Quốc hội đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và nhận định rằng: Tổ chức IPU đã và đang bị các thế lực phản động thao túng, trên thực tế không có ảnh hưởng và tác dụng bao nhiêu. Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội nhất trí không đặt vấn đề gia nhập IPU.

 

Ngày 6-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Ngày 27-1-1973, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, các Đoàn Liên-xô, Tiệp-khắc và Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio đã gợi ý Quốc hội ta nên gia nhập IPU. Ngày 15-6-1973, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và nhận định rằng: Việc gia nhập IPU trong thời điểm này chưa thuận lợi, vì lúc đó có đại diện của Ngụy quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) trong IPU, nếu Việt Nam dân chủ Cộng hòa cũng vào IPU thì xem như tự phủ nhận vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Ngày 25-6-1976, Tổng tuyển cử trong cả nước bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Ngày 02-7-1976, Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vào thời gian đó, Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ đến nhận ghế của mình tại IPU. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 08-01-1977 Ủy ban Đối ngoại đã họp để xem xét nội dung bức thư của ông Pio Carlo Terenzio và nhất trí đề nghị Quốc hội ta gia nhập IPU. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Đối ngoại nhận thấy còn có một số điểm phân vân nên đề nghị Quốc hội tạm hoãn việc gia nhập IPU. 

 

Ngày 20-9-1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp quốc. Vào thời gian này, trước những biến chuyển mới của tình hình trong nước và quốc tế, Ủy ban Đối ngoại nhận định: Tương quan lực lượng trên thế giới có lợi cho lực lượng hòa bình và dân chủ. Trong IPU, phe đế quốc không còn có thể dùng đa số để áp đảo trào lưu tiến bộ. Về phía ta, vào IPU  ta có dịp tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trước những âm mưu, thủ đoạn bành trướng, thôn tính của các lực lượng phản động quốc tế.

 

Như vậy, đến thời điểm này, điều kiện khách quan và chủ quan đã thuận lợi cho việc gia nhập IPU của Quốc hội nước ta. Trong hai ngày 30-6 và 01-7-1978, Ủy ban Đối ngoại đã họp để chuẩn bị việc gia nhập IPU. Đến ngày 30-10-1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh để nghe báo cáo về việc Quốc hội nước ta gia nhập IPU. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành đề nghị của Ủy ban Đối ngoại về việc Quốc hội ta nên gia nhập IPU.

 

Tháng 12-1978, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Ba Đình do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa chủ trì, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám đã đọc báo cáo nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc gia nhập IPU: Một diễn đàn dư luận quốc tế ta có thể sử dụng có lợi cho ta để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình, bác bỏ sự tuyên truyền xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động quốc tế, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình. Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội đã thảo luận và nhất trí tán thành gia nhập IPU.

 

Căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959 và đề nghị của Ủy ban Đối ngoại đã được Quốc hội tán thành trong kỳ họp tháng 12-1978, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã ký Nghị quyết số 436 NQ/QHK6 ngày 03-02-1979: Tán thành việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập IPU. Trên cơ sở Nghị quyết này, 267 đại biểu Quốc hội nước ta tham gia Đoàn Việt Nam trong IPU đã họp để thông qua Nội quy và bầu Ban chấp hành. Nội quy gồm 9 điều, Điều 1 khẳng định: Các đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập IPU hợp thành Đoàn Việt Nam trong IPU theo Điều 1 và Điều 3 của Điều lệ IPU.  Ban chấp hành gồm Chủ tịch là ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3 Phó Chủ tịch là: ông Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông Trương Tấn Phát, Chủ nhiệm Ủy ban dự án Pháp lệnh của Quốc hội, ông Hoàng Minh Giám, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Thư ký kiêm thủ quỹ là ông Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và 12 ủy viên.

 

Ngày 15-02-1979, Chủ tịch Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong IPU Xuân Thủy đã gửi thư cho Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio, bày tỏ nguyện vọng gia nhập IPU của Quốc hội Việt Nam.

 

Tính đến năm 1979, có gần 80 đoàn nghị viện quốc gia là thành viên IPU, trong đó có 11 đoàn các nước XHCN, 35 đoàn các nước tư bản chủ nghĩa và phụ thuộc, còn lại là đoàn các nước không liên kết. Tháng 2 năm 1979 Hội nghị tư vấn Chủ tịch các Đoàn các nước XHCN thành viên IPU họp tại thủ đô Bucharest, Romania, bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức IPU tại Hội nghị mùa Xuân Praha tháng 4-1979.

 

Trong những năm 1980, IPU thường họp mỗi năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu nên gọi là hội nghị mùa xuân và hội nghị mùa thu. Hội nghị mùa Xuân của IPU (kỳ họp lần thứ 124 Hội đồng IPU) họp tại thủ đô Praha, Tiệp-khắc từ ngày 16 đến 21-4-1979, tham gia Hội nghị có 76 Đoàn đại biểu Nghị viện thành viên IPU. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch BCH Đoàn Việt Nam trong IPU làm Trưởng đoàn và ông Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Thư ký kiêm thủ quỹ BCH Đoàn Việt Nam trong IPU. Cùng đi còn có ông Phạm Quốc Bảo, chuyên viên Phòng Đối ngoại Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Ngày 16-4-1979, trong phiên họp lần thứ 180, Ban chấp hành IPU gồm 11 thành viên đã nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội Việt Nam là thành viên IPU2. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21-4-1979, dưới sự Chủ tọa của ông S. Mokaddem, Chủ tịch Quốc hội Tunisia, quyền Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng IPU đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội CHXHCN Việt Nam là thành viên IPU3.

 

Sau lời phát biểu chào mừng của ông S. Mokaddem, ông Hoàng Minh Giám, đã phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của đại diện Quốc hội các nước và bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam được chấp nhận là thành viên IPU. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám cũng khẳng định Việt Nam sẽ cùng với các thành viên IPU tích cực hoạt động vì hòa bình, hợp tác quốc tế và xây dựng một thế giới tự do và hội nhập. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình và có quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của tất cả các dân tộc đang phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

 

Qua 20 năm (1959-1979) kiên trì theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế, ngày 21-4-1979 Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Nghị viện Thế giới, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Quá trình hội nhập này gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Năm tháng đi qua nhưng Hội nghị mùa Xuân Praha 1979 đã đi vào lịch sử của Liên minh Nghị viện Thế giới và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam

Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo