Doanh nghiệp - Doanh nhân

Như con ong chuyên cần

Từ một thanh niên trong tay chỉ có 150 đàn ong là tài sản của bố để lại, Trần Xuân Phong (sinh năm 1983, xã An Khang, Tuyên Quang) nay trở thành tỉ phú nông thôn.

 Trần Xuân Phong đang làm việc trong trang trại của mình - Ảnh: Kiều Linh

Thu nhập gần 4 tỉ đồng/năm, trang trại nuôi ong của Phong tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã với mức lương bình quân 3-4 triệu đồng/tháng.

Trần Xuân Phong là một trong 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu cả nước làm kinh tế giỏi, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014.

Quyết chí ắt làm nên

Tốt nghiệp THPT nhưng không vào được ĐH, Phong trở về quê, quyết định lập nghiệp bằng nghề nuôi ong vốn có của gia đình. Năm 2002, bố Phong - ông Trần Xuân Thư - trao lại tài sản cho con trai là 150 đàn ong mật giống nội để nuôi với hi vọng “mật ong sẽ mang lại cuộc sống no ấm, sung túc cho đời con khi bố tuổi cao sức yếu”.

Thời gian đầu vào nghề Phong gặp muôn vàn thử thách. Chưa một lần nuôi ong lấy mật, kỹ thuật chăm sóc không hề có, thế nên bị ong đốt sưng tấy mặt là “chuyện thường ngày ở huyện”. Rồi những hôm giao mùa, nắng mưa thất thường, ong phát bệnh, chết nhiều, lòng Phong nóng như lửa đốt.

Trắng tay. Bao nhiêu tiền của gia đình đổ hết vào 150 đàn ong, đến trâu, bò, heo, gà ông Thư cũng phải cho con bán lần lượt lấy tiền cứu vãn tình thế. Phong lặn lội khắp nơi tìm mua thuốc chữa bệnh, mua thêm cả ong chúa về gây đàn, làm lại từ đầu.

Khi “kỹ nghệ” nuôi ong được tích lũy sau nhiều lần thất bại, năm 2005 Phong mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua sắm vật tư, mua thêm con giống, nâng số lượng đàn ong. Nhận thấy hạn chế của ong vàng miền Bắc cho năng suất và chất lượng mật không cao, Phong tìm cách lai tạo giống.

Khăn gói đi khắp nơi, từ Hà Giang, Lai Châu, Sơn La cho đến Bình Phước, Đắk Lắk, cuối cùng Phong quyết định lai tạo giống ong Ý miền Nam với ong vàng miền Bắc tạo ra giống ong mới cho năng suất cao hơn.

Với số lượng ong nhiều, chỉ nuôi trong tỉnh thôi chưa đủ, Phong chủ động đưa ong đến tỉnh khác để đón mùa hoa. Cứ như thế, tuổi thanh niên của Phong sống cùng đàn ong. Trên những chuyến xe tải, Phong di chuyển khắp nơi, từ Bắc vào Nam theo mùa.

Giọt mật cho đời

Khi sản lượng và chất lượng mật ong ổn định, Phong tìm nơi tiêu thụ. Năm 2008, Phong ký hợp đồng chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với Công ty ong Đắk Lắk. Sản phẩm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay đến đó, vừa lấy mật vừa nhân đàn.

Tính đến nay, trại nuôi ong của Phong đã có 1.700 đàn ong, cho trên 100 tấn mật/năm, trị giá trên 3 tỉ đồng. Trừ đầu tư chi phí anh còn thu lãi gần 2 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là thanh niên trên địa bàn với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Phong còn thành lập Hợp tác xã Phong Thổ với hơn 20 hội viên nuôi ong nhằm giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Phong Thổ đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

Không dừng lại ở đó, Phong đang tiếp tục tìm hiểu đầu tư phát triển đàn ong, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm mật ong của cơ sở.

Hài lòng về trang trại của mình, Phong nói: “Thời gian này mình đang nuôi ong chúa, cho ra lứa mới sẽ bán cho nhiều hộ khác để mọi người đều có được giống ong cho năng suất, chất lượng mật cao. Mình cũng đang tìm cách xây dựng và phát triển cho mật ong của Tuyên Quang và miền Bắc xuất khẩu trực tiếp ở cảng Hải Phỏng, đốt cháy giai đoạn qua công ty khác, tạo thu nhập cao cho nghề nuôi ong của địa phương”.

Nói về chàng thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, ông Phan Văn Lợi, chủ tịch xã An Khang, cho biết: “Mô hình nuôi ong của Phong được xã ghi nhận và khuyến khích các hộ khác áp dụng theo. Hiện nay Hợp tác xã Phong Thổ do Phong lập ra giải quyết việc làm cho hơn 20 người, doanh thu hơn 16 tỉ đồng/năm, đóng góp nhiều trong phong trào Đoàn, xã, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Theo Tuổi trẻ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo