Tin tức - Sự kiện

Những bất cập xung quanh Dự thảo thi đánh giá năng lực đầu vào lớp 6

(DNVN) - Dự thảo thi đánh giá năng lực đầu vào lớp 6 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 18/12, cho phép các trường Trung học cơ sở (THCS) tuyển sinh áp dụng hình thức xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực trong trường hợp số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu.

Ngoài nội dung “cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh”, một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT sẽ có quy định mới: tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.

Theo đó, chỉ những trường không có nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS, trong đó có các trường chuyên, trường trọng điểm có thể áp dụng xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực để lựa chọn đầu vào chất lượng. Điều này đã tháo gỡ khó khăn nan giải cho các trường tốp đầu trong việc tuyển sinh lớp 6. Bởi nếu theo quy định cũ: Không áp dụng bất kỳ hình thức thi tuyển nào cho kỳ tuyển sinh vào lớp 6, sẽ dẫn đến số lượng đăng ký ồ ạt tại các trường như Chuyên Amsterdam, Lương Thế Vinh, Mari Curie... cũng như tình trạng chạy điểm, chạy giải nhằm “làm đẹp” hồ sơ của phụ huynh cho con em mình. 

Liệu điểm mới trong dự thảo có tạo thêm một thước đo công bằng cho kỳ tuyển sinh lớp 6?

Như vậy, việc kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực trong dự thảo năm nay sẽ loại bỏ được những bất cập trong vấn đề cào bằng đầu vào lớp 6 cho các trường chuyên, trường điểm. Đứng trước một số ý kiến cho rằng việc thi tuyển vào lớp 6 sẽ dẫn đến tình trạng ôn luyện, thu phí luyện thi và nhiều vấn đề liên quan, đại diện bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, nội dung bài luận này không phụ thuộc kiến thức học sinh có đi học thêm hay không.

Tuy nhiên, không chỉ với các trường tốp đầu mà ở các tỉnh, huyện vùng sâu vùng xa, số lượng cơ sở đào tạo còn hạn chế trong khi số học sinh tăng nhiều qua mỗi năm. Do đó, tình trạng số hồ sơ đăng ký tuyển sinh vượt chỉ tiêu là không thể tránh khỏi thì vấn đề được đặt ra là: Nếu không vượt qua bài kiểm tra này, các em sẽ làm gì? Học tiếp ở đâu? Đây là một câu hỏi lớn khi triển khai dự thảo vào thực tế trong quy mô mạng lưới trường lớp từng vùng, từng miền.

Một vấn đề nữa cũng được dư luận quan tâm là điểm cộng ưu tiên những năm gần đây tăng cao bởi có quá nhiều cuộc thi được Bộ và Sở tổ chức. Áp lực từ việc phải vào được những cơ sở đào tạo chất lượng cao đã khiến các cuộc thi này xa rời ý nghĩa như một sân chơi giao lưu trí tuệ trong giới học đường, mà trở thành một cơ hội để học sinh nâng cao khả năng ưu tiên trong kỳ tuyển sinh cam go, đầy căng thẳng.

Đối phó với thực trạng này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã ban hành công văn áp dụng từ năm học 2017 – 2018. Theo đó, các sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không được lấy kết quả cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả từ các cuộc thi quốc tế do sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.Từ năm học 2018-2019, các sở không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp.

Hiện nay, dự thảo được Bộ Giáo dục xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018.

 

Nên đọc
Kiều Anh (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo