Thị trường

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2017

Không dùng gầm cầu làm nơi ở, kinh doanh; Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình; Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2017.

Từ ngày 1/12, hàng loạt các chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật sẽ chính thức có hiệu lực như:

Không dùng gầm cầu làm nơi ở, kinh doanh

Theo Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 01/12/2017, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Ảnh minh họa.

Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 01/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Trường hợp không thực hiện hoàn trả sẽ bị cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Thông tư cũng quy định, không cho phép công trình đường ống cung cấp năng lượng (xăng dầu, ga, khí đốt), đường ống hóa chất, vật liệu không bảo đảm quy định về phòng, chống cháy nổ gắn vào cầu. Công trình điện lực chỉ được phép lắp đặt vào cầu khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn điện; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vận hành…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Chỉ bị tước GPLX đối với loại xe đã điều khiển khi vi phạm

Đây là một trong những nội dung được Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

 

Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe tích hợp của Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe. Người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo Giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc Giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô).

Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong Giấy phép lái xe.

Không trang trí băng rôn khi đón khách nước ngoài thăm địa phương

Khi đón khách nước ngoài thăm địa phương, Bộ Ngoại giao yêu cầu không trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng. Nếu trong chương trình đón tiếp có lễ ký kết thỏa thuận giữa hai bên, tại phòng ký kết có thể trang trí phông. Đây là nội dung của Thông tư số 05/2017/TT-BNG, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Trường hợp khách nước ngoài tham dự sự kiện tại địa phương, việc trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng phải phù hợp với thông lệ lễ tân tổ chức của sự kiện, theo đề án và kế hoạch được phê duyệt với số lượng hợp lý, hình thức phù hợp và tại những địa điểm cần thiết.
Về tặng phẩm đối với khách nước ngoài thăm địa phương, chỉ tặng cho trưởng đoàn khách và phu nhân/ phu quân (nếu có). Trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng các thành viên đoàn. Tặng phẩm là sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình

Đây là quy định mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 05/12/2017.

Theo đó, trên trang 01 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) được ghi như sau: Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” hoặc “gồm bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Như vậy, so với quy định trước đây, Thông tư này đã bổ sung quy định về việc ghi tên lần lượt các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

 

Nhân viên DV bảo vệ phải mặc sơ mi xanh hoặc trắng

Trang phục của nhân viên dịch vụ bảo vệ là một trong những nội dung được Bộ Công an quy định tại Thông tư số 42/2017/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 06/12/2017.

Theo đó, vào mùa xuân, hè, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo sơ mi xanh da trời hoặc trắng, ngắn tay hoặc dài tay, trước ngực áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp; quần màu xanh đen, kiểu âu phục. Vào mùa thu, đông, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo ngoài kiểu veston dài tay, màu xanh đen, quần giống như quần xuân hè. Đồng thời, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải đi giày da màu đen; đội mũ mềm, có lưỡi trai, màu cùng màu quần.

Đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ làm việc tại các mục tiêu cần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động có thể sử dụng thêm trang phục, thiết bị bảo hộ lao động theo quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không dùng tiền mặt để thanh toán

 

Đây là quy định của Chính phủ tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/12/2017.

Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản phục vụ hoạt động của Cơ quan. Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán và gửi chứng từ chi về Việt Nam để kiểm soát, không dùng tiền mặt để chi trả.

Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chỉ được sử dụng tiền mặt để thanh toán trong các trường hợp sau: Cơ quan hoạt động tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Cơ sở giết mổ động vật phải cách khu dân cư tối thiểu 500m

Tại Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cơ sở giết mổ động vật tập trung phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ và nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

 

Người tham gia giết mổ phải được tập huấn và cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm do đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cấp theo quy định hiện hành; Được định kỳ khám lại sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; không được mắc các bệnh thuộc Danh mục các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe trước khi hành nghề.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/12/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm; Quy định về tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; Hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2017.

Nên đọc
Nguyễn Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo