Thị trường

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2017

(DNVN) - Nhiều chính sách quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, xã hội... sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2017.

Tăng tiền đặt cọc đấu giá lên tối đa 20%

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2017, Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 của Quốc hội quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5% - 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, thay cho mức từ 1% - 15% trước đây.

Cũng từ ngày 01/07/2017, luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên và trọng tài viên đã có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên sẽ được miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Luật còn rút ngắn thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá bất động sản. Cụ thể, tổ chức đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản là bất động sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá; thay vì 30 ngày như quy định trước đây. Thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá động sản vẫn được giữ nguyên như quy định cũ, là 7 ngày trước khi tiến hành đấu giá.

Đặc biệt, Luật yêu cầu đến hết tháng 07/2019, doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày 01/07/2017 phải thực hiện đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp.

Ảnh minh họa.

Từ 1/7, tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng 

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/04/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Cụ thể, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam; người làm việc trong tổ chức cơ yếu… sẽ chính thức tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2017.

Tăng trợ cấp với người có công lên 1,417 triệu đồng 

 

Ngày 06/06/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi là 1,417 triệu đồng, thay cho mức 1,318 triệu đồng đã được quy định trước đây.

Cùng với việc tăng mức chuẩn nêu trên, Nghị định cũng tăng đồng loạt mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với từng đối tượng người có công cụ thể.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/07/2017 và được áp dụng từ 01/07/2017.

Hướng dẫn tính lương, phụ cấp với cán bộ xã, phường 

Nhằm hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BNV ngày 12/05/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.

 

Theo đó, mức lương, phụ cấp thực hiện từ ngày 01/07/2017 với các đối tượng nêu trên được xác định bằng mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng nhân với hệ số lương, hệ số phụ cấp hiện hưởng. Riêng với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định, mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 01/07/2017 được xác định bằng mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng nhân với hệ số hoạt động phí theo quy định.

Mức dư nợ vay của Hà Nội tối đa bằng 70% thu ngân sách địa phương

Ngày 19/05/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh, mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố Hà Nội không được vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Thành phố Hà Nội được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017, được áp dụng từ năm ngân sách 2017.

 

Không được bán thuốc cao hơn giá kê khai đã công bố

Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành ngày 08/05/2017, yêu cầu cơ sở kinh doanh dược không bán thuốc cao hơn mức giá đã kê khai, đồng thời cũng không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Các cơ sở bán thuốc phải niêm yết công khai giá bán tại cơ sở; không được bán giá cao hơn giá niêm yết. Giá bán được thông báo công khai trên bảng, giấy hoặc dán trên bao bì đựng thuốc…, thuận tiện cho việc quan sát của khách hàng nhưng vẫn không che khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc.

Đối với việc quảng cáo thuốc bắt buộc phải có các nội dung: Tên thuốc; Thành phần dược chất hoặc dược liệu; Chỉ định; Cách dùng; Liều dùng; Chống chỉ định, khuyến cáo… Cấm sử dụng từ, cụm từ: Điều trị tận gốc; Hàng đầu; Chất lượng cao; An toàn; Khuyên dùng… trong nội dung quảng cáo.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.

 

Đưa thông tin của trẻ em từ 7 tuổi lên mạng phải được trẻ đồng ý

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2017, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính phủ quy định, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; riêng với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên, phải có thêm sự đồng ý của trẻ.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải có công cụ kiểm soát thời gian, tránh tình trạng trẻ nghiện trò chơi điện tử.

Nghị định cũng quy định, Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ quản lý tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, cá nhân qua điện thoại; tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em…Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

Đấu giá viên không được kiêm nhiệm nghề công chứng, thừa phát lại

 

Có hiệu lực từ ngày 01/07/2017, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/05/2017 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định, đấu giá viên trong tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được điều hành cuộc đấu giá sau khi được Sở Tư pháp cấp thẻ; đồng thời không được kiêm nhiệm nghề công chứng, thừa phát lại. Thẻ đấu giá viên chỉ có giá trị khi hành nghề trong tổ chức đã đề nghị cấp thẻ.

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 01/07/2017, tổ chức đấu giá tài sản phải đề nghị Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở cấp thẻ đấu giá viên cho đấu giá viên đã có thẻ trước ngày 01/07/2017. Những doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày 01/07/2017 muốn tiếp tục hoạt động phải thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản mới theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và chấm dứt hoạt động khi doanh nghiệp đấu giá tài sản mới được cấp phép.

17 loại hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập

17 loại hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, bao gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu vang làm từ nho tươi, kể cả rượu vang cao độ, rượu Vermouth và rượu vang khác làm từ nho tươi đã pha thêm hương vị từ thảo mộc hoặc chất thơm; Bia; Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại; Điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Vàng mã, vàng lá; Hàng hóa áp dụng biện pháp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quy định của Bộ Công Thương… là nội dung được quy định tại Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/05/2017.

Riêng với hàng hóa nhập khẩu là thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình, được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy công trình; hàng hóa nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế…

 

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.

Đi công tác được hưởng phụ cấp lưu trú 200.000 đồng/ngày

Ngoài tiền lương, người đi công tác sẽ được hỗ trợ thêm phụ cấp lưu trú với mức 200.000 đồng/ngày; trường hợp cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo mức hưởng là 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo; thời gian hưởng được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi kết thúc đợt công tác, là nội dung được quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Trường hợp cử đi công tác có phát sinh việc thuê phòng nghỉ nơi đến công tác thì được thanh toán tiền thuê phòng theo hình thức khoán hoặc thanh toán theo hóa đơn thực tế; trường hợp có bố trí phòng nghỉ không phải trả tiền thì người đi công tác không được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ.

Đối với cán bộ cấp xã, cán bộ các cơ quan, đơn vị thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng, tuỳ theo đối tượng, đặc điểm công tác và khả năng kinh phí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức khoán tiền công tác phí theo tháng cho người đi công tác lưu động để hỗ trợ tiền gửi xe, xăng xe theo mức 500.000 đồng/người/tháng, và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

 

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2017.     

Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm

Ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

Theo quy định tại Thông tư này, giới hạn tối đa dư lượng hoạt chất 2,4-D trong các loại quả mọng và quả nho khác, gạo đã xát vỏ là 0,1mg/kg; trong sữa nguyên liệu, quả dạng táo, lúa miến, đậu tương (khô) là 0,01 mg/kg; trong quả có múi thuộc họ cam quýt là 01 mg/kg; trong thịt gia cầm, nội tạng ăn được của gia cầm, ngô, các loại quả có hạt, múa và ngô ngọt (nguyên bắp) là 0,05 mg/kg. Giới hạn tối đa dung lượng 2-Phenylphenol trong quả có múi thuộc họ cam quýt là 10 mg/kg; trong nước cam ép là 0,5 mg/kg và trong lê là 20 mg/kg; đối với trà xanh, giới hạn tối đa dung lượng hoạt chất Tolfenpyrad là 30 mg/kg…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017.

 

Hướng dẫn điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải có quy chế quản lý nội bộ. Người được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp phải có hồ sơ gồm: Phiếu lý lịch tư pháp; Bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận; Bản cam kết với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ về việc đáp ứng đầy đủ các quy định… Đây là các điều kiện doanh nghiệp kinh doanh dịch mua bán nợ phải đáp ứng đầy đủ được quy định tại Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19/05/2017 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 03/07/2017.

Riêng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, trước thời điểm kinh doanh phải có báo cáo tài chính được kiểm toán chứng minh đã kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 01 năm và doanh thu của năm trước liền kề đạt ít nhất 500 tỷ đồng; Bản chính thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin; Các hợp đồng lao động ký với ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá.

Trước ngày 01/07/2017, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc có đáp ứng hay không các điều kiện, nếu không đáp ứng thì phải chấm dứt hoạt động và báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh.

Từ 10/7, mang trên 1,5 lít rượu từ 20 độ khi nhập cảnh phải khai hải quan

 

Từ ngày 10/07/2017, cá nhân mang theo trên 1,5 lít rượu từ 20 độ trở lên hoặc trên 02 lít rượu dưới 20 độ; trên 20 điếu xì gà hoặc trên 250g thuốc lá sợi khi xuất cảnh, nhập cảnh sẽ phải khai tờ khai hải quan; trong khi theo quy định trước đây, cá nhân chỉ phải khai hải quan nếu mang theo trên 1,5 lít rượu từ 22 độ hoặc trên 02 lít rượu dưới 22 độ hoặc trên 100 điếu xì gà hoặc trên 500g thuốc lá sợi khi xuất, nhập cảnh. Đây là nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 52/2017/TT-BTC ngày 19/05/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2015/TT-BTC ngày 14/08/2015.

Với các hàng hóa khác như bia, thuốc lá điếu…, định mức được mang theo không phải nộp thuế, làm tờ khai hải quan khi xuất, nhập cảnh vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, tối đa 03 lít bia hoặc 200 điếu thuốc lá; các vật phẩm khác có tổng giá trị tối đa 10 triệu đồng.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/07/2017.     

Pha trộn xăng dầu để trục lợi, phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; có hiệu lực từ ngày 10/07/2017, quy định phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.

 

Đối với hành vi không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, mức phạt tiền là 01 - 02 triệu đồng; hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối quy định, mức phạt tiền là từ 02 - 06 triệu đồng. Đặc biệt, mức phạt từ 40 - 60 triệu đồng được áp dụng với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hoặc tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định…

Đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng. Tương tự, hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động mà không được cấp Giấy phép bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Bỏ chế độ cấp phép nhập khẩu tự động với phân bón

Ngày 29/05/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BCT quy định cửa khẩu nhập khẩu một số mặt hàng phân bón.

Thông tư này chỉ rõ, từ ngày 13/07/2017, chỉ được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính đối với phân Urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước; Phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố là nitơ, phospho và kali. Việc nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở chỉ được phép thực hiện sau khi UBND tỉnh cho phép trên cơ sở trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương. Trong khi trước đây, các loại phân bón này được áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động.

 

Quy định nêu trên không áp dụng đối với phân bón tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh; Phân bón nhập khẩu để khảo nghiệm, làm hàng mẫu, nghiên cứu khoa học.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 13/07/2017.

Miễn tiền thuê đất đến 11 năm với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp

Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 07 năm; Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư với mức tối đa 70% tổng mức đầu tư. Riêng với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề được miễn tiền thuê đất đến 15 năm và cũng được xem xét vay vốn tín dụng với mức tối đa 70% tổng mức đầu tư là nội dung được quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CPngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Để được hưởng ưu đãi trên, cụm công nghiệp làng nghề phải đáp ứng điều kiện như: Nằm trong quy hoạch; Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề chiếm trên 60% so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã di dời hoặc đăng ký di dời vào cụm công nghiệp làng nghề…

 

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/07/2017.

Bỏ điều kiện kỹ thuật máy trò chơi điện tử có thưởng

Thông tư số 57/2017/TT-BTC ngày 02/06/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài đã bãi bỏ quy định về điều kiện kỹ thuật máy trò chơi điện tử có thưởng. Doanh nghiệp được sử dụng máy đã mua đến khi thay mới. Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BTC quy định những yêu cầu nghiêm ngặt về phần cứng, phần mềm và thiết bị ngoại vi của máy trò chơi điện tử có thưởng.

Các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, phải bố trí các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh 24/24h. Đặc biệt, hình ảnh tại các vị trí phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 30 ngày, kể từ ngày ghi hình.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 17/07/2017.

 

Điều chỉnh hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng

Từ ngày 22/07/2017, thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng gồm có: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh; Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 năm liền kề trước đó. Như vậy, so với trước đây, doanh nghiệp sẽ không còn phải nộp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 02 năm liền kề trước đó khi làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-NHNN ngày 06/06/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/05/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/07/2017.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo