Hỗ trợ doanh nghiệp

Những 'ông lớn' nào đang là chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai?

(DNVN) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt và tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank)... đang là những chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai.

Theo tin trên báo Saigontimes, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) kết thúc năm với tổng dư nợ tăng 56% so với năm ngoái, khoảng 32.641 tỉ đồng, chiếm 67,16% vốn của tập đoàn này. Trong số này, 12.792 tỉ đồng là nợ ngắn hạn và hơn 19.848 tỉ đồng là nợ dài hạn.

Mặc dù tin đồn về sự đứt gãy dòng tiền của HAG đã có từ lâu, song báo cáo này gây sốc cho thị trường bởi nó cho thấy những thiệt hại đáng kể do sự gia tăng mạnh về giá vốn hàng hóa và đầu tư cộng với chi phí tài chính do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn của tập đoàn.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2015 không có chi tiết về các khoản vay nợ ngân hàng của HAG song lần giở lại Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ ngày 30-6-2015, chúng tôi thấy một phần bức tranh vay nợ của tập đoàn tại các ngân hàng. Xin khẳng định đây chưa phải toàn bộ các khoản vay của HAG tại các ngân hàng vào thời điểm hiện nay song chúng tôi tin rằng với tình hình riêng tại tập đoàn và các ngân hàng cũng như bối cảnh kinh tế chung thời gian qua thì sự thay đổi nếu có cũng không quá lớn.

Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tại thời điểm ngày 30-6-2015, HAG đang vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 1.500 tỉ đồng, tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt hơn 451 tỉ đồng, và tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) 119 tỉ đồng. Tổng cộng hơn 2.077 tỉ đồng.

Các khoản vay được sử dụng để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của tập đoàn, chịu lãi suất thả nổi và được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cây cao su và đàn bò của HAG.

Về nợ dài hạn, HAG đã phát hành trái phiếu thường trong nước tổng cộng 7.305 tỉ đồng bán cho các ngân hàng gồm Sacombank, Eximbank, VP Bank, Công ty TNHH một thành viên bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Công ty chứng khoán ngân hàng Á châu (ACBS). Một phần khối lượng trái phiếu này sau đó được sở hữu bởi Ngân hàng TMCP Bắc Á, HDBank và Eximbank.

Tiền thu được được từ các khoản tín dụng này được sử dụng để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư của Tập đoàn bao gồm dự án trồng mới và chăm sóc 10.000 ha cao su tại tỉnh Rattanakiri (Campuchia), dự án nhà máy mía đường, nhiệt điện, ethanol và phân vi sinh tại tỉnh Attapeu (Lào), dự án thủy điện Đăk Srong 3A tại huyện Krong Pa tỉnh Gia Lai, dự án thủy điện Nậm Koong 2 tại huyện Phou Vong tỉnh Attapeu (Lào), và tái cấu trúc nợ vay của Tập đoàn.

Các khoản nợ trên được đảm bảo bằng cổ phiếu HAG của Chủ tịch HĐQT công ty, các tài sản của tập đoàn như quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất của một số dự án tại Việt Nam và Lào, quyền sử dụng đất và vườn cây cao su. 

 

Trái phiếu của HAGL được thu xếp phát hành bởi BIDV và BSC (đồng thu xếp), Công ty chứng khoán Ngân hàng Á châu (ACBS), Công ty chứng khoán Phú Gia, và Công ty chứng khoán VPBS. Ngoài ra, theo một số nguồn tin khác, HAG cũng có những khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Bắc Á, Bản Việt, OCB. Một đại diện của OCB khẳng định ngân hàng mới đây đã thu hết nợ vay tại HAG.

Theo tin trên báo ANTT, liên quan đến tình hình nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai, trả lời báo chí, ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN đã có văn bản gửi các NH thương mại có quan hệ tín dụng với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với 4 nội dung. Thứ nhất là yêu cầu báo cáo chi tiết tình hình cho vay, chất lượng tín dụng, tài sản đảm bảo của Tập đoàn HAGL và các công ty con đến thời điểm 31/12/2015. Thứ hai, đánh giá toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó đánh giá cụ thể các dự án đầu tư, đặc biệt là cao su (nếu có). Thứ ba là nêu các khó khăn trong quá trình cho vay, thu hồi nợ (nếu có) và cuối cùng là đề xuất các biện pháp cho vay, thu nợ.

Đại diện NHNN cũng khẳng định, việc này hoàn toàn là từ phía HAGL chủ động làm công văn gửi NHNN nêu những khó khăn trong việc thực hiện một số dự án kinh doanh và nghĩa vụ trả nợ vay đối với một số tổ chức tín dụng. Từ đó đề nghị NHNN xem xét, có chính sách hỗ trợ HAGL nói riêng và những ngành nghề nông nghiệp nói chung.

Trước tình hình vay vốn khá lớn của Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Phước Thanh khẳng định: “cân đối nợ với tài sản của HAGL không có vấn đề gì. Các khoản đầu tư, vay nợ đều có tài sản thế chấp. Hơn nữa, trong cơ cấu nợ hiện tại của HAGL thì nợ trung - dài hạn khá lớn và đều là nợ nhóm 1 (nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn), không phải là nợ xấu”.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo