Quốc tế

Những phát minh kinh điển của Gia Cát Lượng

Khổng Minh Gia Cát Lượng là nhà chính trị nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Ông thấu hiểu trời đất, dụng binh như thần, sáng chế ra nhiều loại vũ khí và vật dụng đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Bát Trận Đồ được xem là thế trận kinh điển do Gia Cát Lượng phát minh ra mà đến nay vẫn chưa ai phá nổi. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có cốt truyện Lưu Bị vì nóng lòng trả thù cho Quan Vân Trường mà bị đại tướng quân Đông Ngô là Lục Tốn đánh bại và ráo riết truy đuổi.

Khi gần đến bến Ngư Phúc, Lục Tốn thấy phía trước có một luồng sát khí xông thẳng lên trời, càng về chiều, sát khí càng nhiều, Lục Tốn do dự, sai người thân tín đi xem xét kỹ, kết quả là bên bờ sông có xếp các đống đá lớn, không một bóng người. Lục Tốn càng nghi, cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Nơi này gọi là bến Ngư Phúc. Gia Cát Lượng khi vào Thục đã luyện binh ở đây, lấy đá xếp thành trận thế trên bến sông.

Từ đó trở đi thường có khí tuôn như mây.” Lục Tốn nghe xong cưỡi ngựa lên sườn núi xem thạch trận, thấy đá xếp bốn phương tám hướng, đều có cổng, có cửa, bèn cười nói: “Đây là tà thuật làm mê hoặc người, có ích gì đâu”, rồi xuống núi dẫn quân xông thẳng vào trong trận xem xét. Nào ngờ Lục Tốn xông vào trận xong thì không tìm được lối ra, đại quân nước Ngô hoàn toàn bị nhốt vào trận đồ mà không thoát ra được. Sau đó may có nhạc phụ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn đã chỉ đường nên Lục Tốn mới thoát ra được.

Bát trận đồ. Ảnh minh họa.

Bát trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy. Được án theo bát môn (8 cửa) là sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, hưu.

Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (55 là số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành. 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành. 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái sinh ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại.

Đến nay, Bát Trận Đồ của Gia Cát Lượng vẫn còn ẩn chứa khá nhiều bí ẩn không lời giải đáp.

Ngựa gỗ, trâu máy

Ngựa gỗ, trâu máy được Gia Cát Lượng nghĩ ra khi đến Kỳ Sơn phạt Ngụy. Vì tình thế khó khăn nên ông phải tính kế lâu dài đánh quân Ngụy. Thời điểm đó là mùa mưa khiến cho việc vận chuyển lương thực khá khó khăn. Do đó, Khổng Minh bèn sáng tạo ra ngựa gỗ, trâu máy để giải quyết việc vận chuyển.

 

Ngựa gỗ do Gia Cát Lượng phát minh.

Ngựa gỗ có cơ cấu máy móc ở bên trong, ngựa gỗ tự đi khoảng 10km mà không cần lực đẩy, cứ hết 10 km lại cài lại cơ cấu bên trong để chạy tiếp.

Nỏ Gia Cát

Để đối phó với quân Ngụy của Tào Tháo, Gia Cát Lượng đã cải tiến nỏ nguyên nhung thành Nỏ Gia Cát. Loại nỏ này được làm bằng sắt, dài 8 tấc, mỗi lần bắn ra được 10 mũi tên. Trong thời Tam Quốc, nỏ này có tên gọi khác là Thôi Sơn hay Liên Châu, nỏ sở hữu uy lực mạnh mẽ và được xem là vũ khí tầm xa đáng sợ nhất lúc bấy giờ.

Nỏ Gia Cát. Ảnh phác họa.

Năm 1964 các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở xã Thái Bình gần Thành Đô máy nỏ bằng đồng ghi lại được làm vào ngày 30 tháng 2 năm Cảnh Diệu thứ 4 thời hậu chủ Lưu Thiện (tức hai mươi bảy năm sau ngày Gia Cát Lượng mất). Nỏ này là loại nỏ mà Gia Cát Lượng đã cải tiến.

Ngoài ra, Khổng Minh Gia Cát Lượng còn có những phát minh khiến người sau nể phục như: Bánh bao, khóa Khổng Minh, chiến xa… Trong lịch sử Tam Quốc, Gia Cát Lượng được xem là người quân sư tài ba lỗi lạc nhất bên Lưu Bị. 

 

Nên đọc
Theo Võ thuật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo