Thị trường

Những xu hướng mới của ngành bán lẻ Việt Nam

(DNVN) - Những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện các mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí và sáng tạo. Điều này dẫn đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng.

Mô hình cửa hàng tiện lợi.

Bán lẻ thế hệ mới

Theo ông Troy Griffiths - Phó Giám Đốc Điều hành Savills Việt Nam, ngành bán lẻ tại Việt Nam đang trải qua quá trình biến chuyển và tiến hóa mạnh mẽ. “Trong quá khứ, những loại hình bán lẻ đương đại là rất hiếm thấy. Hàng loạt sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, nhiều trung tâm mua sắm mọc lên với những thiết kế thời thượng, đẹp mắt. Bán lẻ đang thay đổi từng ngày, và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử, đơn cử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh cùng sự phát triển công nghệ thông minh”.

Ông Nicholas Bradstreet - Giám đốc Điều Hành Savills Hong Kong cho rằng, nhà bán lẻ cũng như chủ cho thuê cần có sự chuẩn bị, phản ứng phù hợp với những xu hướng mới, ví dụ như tích hợp thêm nhiều giá trị giái trí, ẩm thực dành cho khách hàng bên cạnh nhu cầu thương mại, mua sắm. Mô hình pop-up store cũng đang là một giải pháp khá phổ biến, phù hợp với nhiều hoàn cảnh, mục đích từ việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, cũng như kiểm tra thị trường mới…

Bên cạnh sự chuyển mình của mô hình bán lẻ truyền thống, những đầu tư về công nghệ như ứng dụng (app), điện thoại thông minh, thương mại điện tử, việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sự kết hợp gần đây của nhiều nhà bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử cũng là một câu trả lời cho việc thích ứng, thay đổi nhằm hướng đến một mô hình bán lẻ phù hợp với thời đại và người tiêu dùng.

Sân chơi dành cho người am hiểu và chuyên nghiệp

 

Ông Troy cũng khẳng định, đối với những nhà bán lẻ nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam, nếu họ không chú ý đến những tiềm năng từ thị trường cũng như sự năng động từ kết cấu dân số trẻ và đặc biệt là thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì rất đáng tiếc. Việc am hiểu khách hàng, nhất là người tiêu dùng tại Việt Nam, vốn là một điều không dễ dàng. Vì thế, sân chơi bán lẻ ở Việt Nam không dành cho những ai chỉ chú trọng vào sự màu mỡ của một thị trường đang lên mà còn là sự kiên định, quyết đoán. Thế hệ khách hàng trẻ cũng mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến phần lớn thói quen và hành vi tiêu dùng.

Ông Trevor Vivian - Giám Đốc điều hành Tập đoàn Benoy cho rằng: Trung tâm mua sắm đang thay đổi khắp châu Á, một phần cũng bởi sự thay đổi của người tiêu dùng và thói quen của họ. Sự thay đổi của thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng rõ rệt, điển hình là tại Tp.HCM và Hà Nội. Như việc chuyển đổi của thị trường kinh tế thời kì đầu, sang một nền kinh tế có thể được gọi là “tinh tế” hơn. Sự tinh tế đến từ chính bản thân ngành bán lẻ, xu hướng thiết kế, thậm chí lan sang cả ngành ẩm thực. Ông Trevor cũng nhấn mạnh về vai trò và sự chuyển đổi của các nhà bán lẻ nội địa tại Việt Nam: “Tôi cho rằng họ đang từng bước hiểu rõ hơn về chính sản phẩm của mình - điều sẽ làm nên sự khác biệt đối với các thương hiệu quốc tế. Việc các thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường cũng là một tín hiệu khả quan, bởi sự kết hợp này sẽ tạo nên sự thay đổi, sự phong phú cho môi trường bán lẻ và người tiêu dùng Việt Nam. Đừng bỏ quên nét văn hóa đặc trưng và các sản phẩm bản địa đặc sắc của các bạn, bởi đây chính là yếu tố quan trọng để định vị giá trị và niềm tự hào của ngành bán lẻ Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến nhiều tên tuổi mới gia nhập phân khúc cửa hàng tiện lợi. Như Saigon Co.op và NTUC Fair Price (Singapore) liên doanh ra mắt thương hiệu Cheers, với tham vọng phát triển 50 cửa hàng trên toàn quốc trong năm 2018. Trước đó, cuối năm 2017, Công ty TNHH GS25 Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn GS Retail Hàn Quốc và Tập đoàn Sơn Kim Land) chính thức khai trương cửa hàng tiện lợi GS25 đầu tiên tại Tp. HCM. GS25 tuyên bố sẽ mở tiếp 50 cửa hàng trong năm 2018. Khoảng 2020, GS25 sẽ tiến ra Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Năm 2030, sẽ mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.

Cùng với GS25, những năm gần đây, thị trường Việt Nam được biết đến sự bùng nổ của chuỗi cửa hàng tiện lợi với hàng loạt tên tuổi như Famaly mart, VinMart+, 7-Eleven, CircleK, Shop&Go, Toromart… tất cả đã và đang tạo nên một sân chơi đầy màu sắc, trong đó không phải ai cũng thành công.

Minh Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo