Thị trường

Nợ công: Cần xét đến trách nhiệm nợ dự phòng mà Nhà nước có thể phải gánh

Hiện các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách.

Từ 2009, nợ công đã vượt qua ngưỡng 50% GDP và tăng đến 56,3% vào năm 2010 trước khi giảm nhẹ xuống 55,7% vào năm 2012. Nợ nước ngoài chiếm tỷ lệ cao trong tổng nợ công của Việt Nam. Về mặt số liệu thì tổng nợ công vẫn còn dưới ngưỡng an toàn 65% của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, tài khoản vãng lai của Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực từ năm 2011, đến cuối năm 2012 Việt Nam đạt được mức thặng dư tài khoản vãng lai đến 5,8% GDP – đây được xem là cơ sở IMF cho rằng nợ công của Việt Nam chưa nguy hiểm.

Kế hoạch trả nợ hàng năm khoảng 14%-16% tổng thu ngân sách nhà nước (thấp hơn giới hạn cảnh báo là 30%), bằng khoảng 4,5% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn giới hạn cảnh báo là 15%). Đây được coi là các chỉ tiêu an toàn, và chỉ số nợ công của Việt Nam được xếp loại ở mức trung bình so với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm.

Tuy nhiên, nợ công của Việt Nam vẫn có nhiều vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, ngay cả khi nợ công không rơi vào ngưỡng nguy hiểm, nền kinh tế vẫn có thể gặp bất ổn khi tổng số nợ quá cao.

Bài học kinh nghiệm của Argentina năm 2001 cho thấy, do vay nợ tràn lan trong khi Chính phủ không kiểm soát được khả năng thu thuế, không có nguồn để trả nợ, cùng với tệ nạn tham nhũng, sự bùng nổ vay nợ của chính quyền địa phương nên cuối cùng đã rơi vào tình trạng vỡ nợ.  Vào thời điểm Chính phủ Argentina tuyên bố vỡ nợ, nợ công của nước này cũng chỉ bằng 53,62% GDP.

Thứ hai, tỷ lệ nợ công/GDP là thước đo tốt về quy mô nợ công song nó chưa hẳn là chỉ số tốt để đánh giá rằng nợ công đang an toàn và không có rủi ro. Với một nền kinh tế có nhiều chỉ số vĩ mô chưa ổn định, vững chắc như Việt Nam thì tỷ lệ nợ công tăng cao cần phải hết sức cẩn trọng.

Thứ ba, với mức nợ công cuối 2012 lên tới 55,7% GDP thì nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong những năm tới là rất lớn.

Cuối cùng, Việt Nam vẫn còn tồn tại các khoản chi ngoài bảng (ngoài ngân sách). Gánh nặng nợ công cũng cần xem xét đến trách nhiệm nợ dự phòng mà Nhà nước có thể phải gánh chịu. Hiện các khoản nợ công của Việt Nam vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực DNNN (dư nợ của khu vực DNNN đã lên đến 63,5 tỷ USD vào cuối năm 2012).

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo