Thị trường

Nước mắm truyền thống hay công nghiệp đều phải bảo đảm 2 tiêu chí

(DNVN) - Nước mắm, nước chấm dù được sản xuất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp, đều phải bảo đảm giới hạn cho phép về kim loại nặng và vi sinh.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm xung quanh chất lượng nước mắm, nước chấm trên thị trường hiện nay.

Mới đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu thì có tới 67,3% không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).

Đánh giá về thông tin này, Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thống kê mà VINASTAS vừa công bố thực sự khiến tất cả chúng ta, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải suy nghĩ.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để khẳng định một sản phẩm nước mắm hay nước chấm nào đó có bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng hay không, chúng ta phải có cơ sở khoa học. Tức là, nước mắm hay nước chấm đó phải bảo đảm hai quy chuẩn về kim loại nặng và vi sinh do Bộ Y tế ban hành. Nếu hai quy chuẩn này vượt mức cho phép thì sản phẩm không bảo đảm an toàn cho người dùng.

Các con số về nước mắm được công bố mới đây chỉ là kết quả khảo sát của VINASTAS, chứ không phải kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới được công bố công khai các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán nước mắm nếu vi phạm hoặc làm tốt. Nhưng, để định hướng dư luận xã hội, VINASTAS nên công khai đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp nào, khảo sát theo phương pháp nào để bảo đảm minh bạch, khoa học và thực tiễn.

Mặc dù vậy, theo tôi, kết quả cuộc khảo sát này của VINASTAS cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm phải tự nhìn nhận mình về các sản phẩm có mặt trên thị trường đã bảo đảm an toàn, chất lượng hay chưa.

Trước vấn đề dư luận cho rằng đang có cuộc chiến giữa nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống (ủ cá) và theo phương pháp công nghiệp, ông Quang cho rằng, nước mắm dù được sản xuất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp thì pháp luật đều không cấm. Đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, các sản phẩm dù được sản xuất theo phương pháp nào thì khi công bố và đưa ra thị trường đều phải công khai nhãn mác đầy đủ, minh bạch các hàm lượng trên sản phẩm… Đặc biệt, nước mắm hay nước chấm thì đều phải bảo đảm hai quy chuẩn về giới hạn kim loại nặng và vi sinh do Bộ Y tế ban hành trong sản phẩm đó.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo