Quốc tế

Nước Mỹ chiếm một nửa dân số giàu nhất thế giới

Nước Mỹ đang có 29 triệu người nằm trong nhóm 1% giàu nhất lại kiểm soát đa số sự giàu có trong xã hội mà phong trào Chiếm phố Wall lên án, theo phân tích của một chuyên gia World Bank.

 Khẩu hiệu của phong trào Chiếm phố Wall chỉ là một câu đơn giản: “Chúng tôi là 99%”, mô tả sự gia tăng bất bình đẳng ở Mỹ: 1% dân số kiểm soát hơn 40% tài sản và nhận hơn 20% lợi nhuận. 99% còn lại là người nghèo.

 

Hay nói cách khác, 1% dân số nắm giữ hầu hết sự giàu có so với 99% còn lại. Phong trào này nhanh chóng lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới.

 

Tuy nhiên, một cuốn sách mới tung ra cuối năm ngoái của kinh tế trưởng Branko Milanovich (ngân hàng Thế giới – World Bank) lại nhìn nhận góc độ khác: nước Mỹ đang chiếm đến gần một nửa của số 1% người giàu nói trên, tính trên bình diện toàn cầu!

 

Thậm chí ông Milanovich còn cho rằng những người tham gia tuần hành chiếm phố Wall là đang... chống lại mình, vì rất có thể họ thuộc một nửa của số 1% nói trên (khoảng 60 triệu người trên thế giới).

 

Trong cuốn sách "The Haves and the Have Nots" (tạm dịch: Kẻ có người không), ông Milanovich dựa trên các tính toán tiêu chuẩn về phân loại giàu nghèo của ngân hàng Thế giới (số liệu 2005), đã tính rằng nước Mỹ có đến 29 triệu người có thu nhập hàng năm sau khi trừ thuế là 34.000USD/người, được xếp vào hàng ngũ nhóm 1%, và chiếm 48% của nhóm 1% này trên thế giới.

 

Nói cách khác, Mỹ là nước chiếm gần một nửa số người giàu có nhất trên trái đất. Mỗi người Mỹ trong nhóm 1% này trung bình làm ra từ 506.000USD trở lên mỗi năm.

 

Số 1% người giàu có nhất thế giới còn lại được phân bổ chủ yếu ở châu Âu với Đức: 4 triệu người; Anh, Pháp, Ý mỗi nước 3 triệu; Canada, Hàn Quốc, Nhật, Brazil mỗi nước khoảng 2 triệu; Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Úc, Hà Lan, Chile, Singapore và lãnh thổ Đài Loan: mỗi nơi 1 triệu người. Còn ở châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Âu, Nga là hầu như không có!

 



Phân bổ nhóm 1% giàu có nhất thế giới, theo chuyên gia World Bank, ông Branko Milanovich.


Sự giàu có này cũng rất chênh lệch. Theo danh sách giàu có 2011 của tạp chí Forbes, Mỹ dẫn đầu thế giới với 412 tỉ phú (dân số 307 triệu), trong khi Venezuela chỉ có 2 tỉ phú với dân số 28 triệu.

 

Tính trung bình cứ 743.000 người Mỹ thì có 1 tỉ phú, trong khi 14 triệu dân Venezuela mới có 1 tỉ phú. Và theo cuốn sách của ông Milanovich thì số người giàu có ở Mỹ (29 triệu) còn đông hơn dân số cả nước Venezuela!

 

Trung Quốc có 115 tỉ phú, xem ra cũng ấn tượng nhưng nếu so với dân số 1,3 tỉ người thì cứ 11,3 triệu dân mới có 1 tỉ phú.

 

Theo tính toán, tầng lớp gọi là trung lưu toàn cầu chỉ có thu nhập trung bình 1.225USD/năm sau thuế, so ra còn thua xa nhóm 1% này. Thậm chí 5% dân số được xem là nghèo khổ nhất nước Mỹ còn giàu hơn cả 2/3 dân số thế giới.

 

Do vậy tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển tại châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ không so sánh được với tầng lớp trung lưu tại các nước phát triển, khi họ không có xe hơi, kế hoạch tài chính hưu trí, nhà riêng, con cái học đại học...

 

Vì vậy mà danh sách 1% giàu có nhất không có tên các nước này, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quiốc, Ấn Độ, Nga,... là đáng biểu dương.
 

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo