Pháp luật

Ô nhiễm môi trường tại Thanh Liêm, Hà Nam: “Lãnh đạo tỉnh, huyện có dám ở một ngày”?

(DNVN) - Đó là câu hỏi của người dân thôn Thanh Bồng gửi tới lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trước việc một xã nhỏ với hơn 10 nghìn dân phải chịu đựng hàng chục doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác mỏ đá, chế biến vật liệu xây dựng… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua. Vậy nhưng, chính quyền sở tại vẫn “bình chân như vại”, phớt lờ những tiếng kêu cứu thảm thiết của người dân?

Một xã nhỏ, hàng chục cơ sở gây ô nhiễm, thải độc hại

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh, tình trạng các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác, vận chuyển, chế biến đá trên địa bàn xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân đang kêu cứu tới chính quyền địa phương.

Chỉ tính riêng tại một số mỏ khai thác đá, mỗi ngày có hàng trăm xe tải trọng lớn, cơi nới thành thùng trái quy định ngang nhiên hoạt động rầm rộ khiến người dân khốn đốn vì luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm nguồn nước – môi trường nghiêm trọng. Thêm vào đó, nhiều ngôi nhà của cư dân bị nứt nẻ, thấm dột do ảnh hưởng từ việc nổ mìn nhưng không được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.

Hàng trăm lượt xe mang logo "Mỏ đá Bắc Hà" không đeo biển số, cơi nới trái quy định chở đất đá hoạt động rầm rầm cả ngày

Bên cạnh đó, do lớp đất đá bề mặt bị khai thác hết nên nguồn nước tại đây cũng dần cạn kiệt và bị ô nhiễm nặng, các hộ dân không có nguồn nước máy thay thế nên phải áp dụng các biện pháp lọc thô sơ hoặc phải sử dụng nguồn nước “nhiễm” bụi đá vôi, không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Hà Nam khẳng định: “Tới đây sau khi làm xong các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ, chúng tôi sẽ tiến hành vào bãi đá lôi các xe đó ra để cắt chứ không thể để chạy như thế được”.

Theo thông tin từ phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Liêm, trên địa bàn xã Thanh Nghị có tới 03 nhà máy xi măng, 04 mỏ đá và 02 cơ sở khai thác chế biến đá hoạt động, tạo áp lực lớn về ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống của người dân,

Kết quả phân tích của Viện khoa học công nghệ và môi trường quan trắc tháng 8/2015 cho thấy chỉ tiêu đặc trưng bụi tại khu vực thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép 3,15 lần.

Tuy nhiên, nhiều năm nay hàng nghìn hộ dân tại xã Thanh Nghị và một số xã khác trên địa bàn huyện Thanh Liêm vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như vậy, trong khi các cơ quan quản lý không có biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm. Hàng chục doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý.

 

“Họ chỉ biết có phát triển kinh tế, doanh nghiệp kiếm lợi nhuận, còn người dân mới là những người gánh chịu hậu quả”, một cán bộ công tác trong ngành môi trường tại đây cũng phải thốt lên đau xót.

Vì lợi nhuận kinh tế, chính quyền làm ngơ?

Trao đổi với PV, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết thời gian qua cũng đã nhận được rất nhiều thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thanh Liêm. Sở cũng đã yêu cầu địa phương có biện pháp kiểm tra giám sát môi trường các doanh nghiệp trên địa bàn để hạn chế, khắc phục tình trạng trên.

“Trách nhiệm xử lý vụ việc trên là của huyện Thanh Liêm và phòng TN&MT huyện, họ quản lý địa bàn thì phải nắm được tình hình và xử lý chứ. Nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo, đề xuất hướng xử lý, tăng cường lực lượng”, đại diện Sở TN&MT khẳng định.

Hiện tại tỉnh đang xây dựng và phát triển mô hình thành lập các tổ vệ sinh môi trường tại địa bàn các xã có tình trạng ô nhiễm nặng để có biện pháp phun nước, quét dọn nhằm hạn chế bụi, đất đá rơi vãi.

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời và hạn chế “bề nổi” của vấn đề bởi bên cạnh đó việc các doanh nghiệp sản xuất xi măng thải khói bụi, các đơn vị sản xuất, khai thác đá vẫn ngang nhiên vi phạm nhưng không bị xử lý mới là “gốc rễ” của vấn đề.

Nhà máy nung asphalt hoạt động trái phép, gây ô nhiễm nghiêm trọng...được làm ngơ

Về việc người dân phản ánh tình trạng nhà máy đốt nhựa đường (lò nung asphalt) hoạt động thải lượng lớn khí độc hại ra môi trường, khiến nhiều người dân trong khu vực buồn nôn, khó thở…, đại diện Sở TN&MT khẳng định hoạt động của nhà máy này là trái phép, Sở chưa từng biết hay nghe báo cáo về hoạt động của nhà máy này. “Tới đây chúng tôi sẽ cho kiểm tra và yêu cầu di dời ngay”.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Tiến – Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Liêm cho biết, do các dự án sản xuất, khai thác đá và sản xuất xi măng trên địa bàn do UBND tỉnh cấp phép nên huyện… không thể xử lý được.

Khi PV đặt câu hỏi tại sao các đơn vị nằm trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm khá rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng nghìn hộ dân như vậy nhưng huyện Thanh Liêm và phòng TN&MT không có biện pháp xử lý, tham mưu đề xuất lên các cơ quan chức năng cao hơn xử lý, ông Tiến quả quyết: Đấy là trách nhiệm của tỉnh và Sở TN&MT (!?)

 

Tiếp đó, sau nhiều lần PV liên hệ đề nghị, yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc kiểm tra, xử lý, giải quyết những nội dung nhân dân trên địa bàn phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Bình – Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Thanh Liêm liên tục phớt lờ với lý do lãnh đạo huyện…bận họp.

Sự im lặng đáng sợ của chính quyền địa phương đang đẩy những tiếng kêu cứu của hàng trăm hộ dân hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm, khí thải độc hại trở thành tuyệt vọng. Phải chăng lợi ích kinh tế đang được đặt lên trên sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người dân nơi đây (!?)

Mạnh Hùng - Uy Vũ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo