Xã hội

Ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè: Quận Hoàn Kiếm không cấp bất cứ một giấy phép nào

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh về tình trạng ô tô tự do đỗ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm bất chấp trước đó Thành phố Hà Nội đã thu hồi giấy phép trông giữ xe trên vỉa hè của hai tuyến đường này.

Ô tô đỗ tự do trên đường Trần Hưng Đạo

Về vi phạm này , đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết trách nhiệm quản lý việc cấp phép đỗ xe trên vỉa hè thuộc phân cấp của quận Hoàn Kiếm. Để làm rõ vấn đề, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc làm việc với ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Hoàn Kiếm.  

PV: Theo quyết định 15 về việc vận hành, quản lý, khai thác, bảo quản sử dụng đường và vỉa hè của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phân cấp toàn bộ dưới lòng đường là do sở Giao thông chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành và vỉa hè do quận quản lý, điều hành?
 
Ông Đào Quang Tâm: Đúng vậy, trên địa bàn của từng quận có những tuyến phố do sở giao thông quản lý cả hè cả lòng đường để đảm bảo sự đồng bộ và đảm bảo về giao thông. Ở quận Hoàn Kiếm có đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Lê Duẩn là 4 tuyến đường đồng bộ do thành phố quản lý. Còn lại các tuyến đường khác là do quận Hoàn Kiếm quản lý vỉa hè. 
 
Trước đây đề án này vẫn thực hiện theo phân cấp nên trên 2 trục tuyến này người ta cấp cho rất nhiều các cơ quan đơn vị doanh nghiệp. Theo quan điểm của thành phố là trước cửa cơ quan nào không có sân, có nhu cầu thì phải xem xét vấn đề cấp vỉa hè và lòng đường để tạo điều kiện cho các cơ quan hoạt động. Cho nên trước đây mình có cấp cả vỉa hè và lòng đường cho các cơ quan sử dụng. 
 
Đến ngày 27/3, Công an Thành phố Hà Nội do Thiếu tướng Nguyễn Đức Trung có công văn báo cáo trực tiếp Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị triển khai hai tuyến Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt chỉ đạo thí điểm cho đỗ xe theo hình thức xếp chéo 35 độ dưới lòng đường và không cấp phép đỗ ô tô trên vỉa hè. 
 
Đề nghị giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ tổ chức trông giữ toàn bộ hai tuyến này, không có các cơ quan doanh nghiệp nào được phép tổ chức trông giữ ở đây. Tổ chức thu phí đầy đủ, đảm bảo công bằng, tất cả cán bộ công nhân viên ai có xe đều phải chịu giá đúng quy định của thành phố.
 
Sau khi công an thành phố xới xáo lên như vậy, ngày 31/3 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Văn Khôi có công văn 2252 chấp thuận cho triển khai thí điểm lần này, theo đề nghị của thành phố, giao cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện.
 
PV: Nhưng quận Hoàn Kiếm là đơn vị được giao việc cấp phép đỗ xe trên vỉa hè, không thể có chuyện quận không cấp mà các đơn vị lại tự ý đỗ xe?
 
Ông Đào Quang Tâm: Công an Thành phố là đơn vị khởi xướng đáng lẽ ra là tác phẩm của anh, anh khởi thảo ra thì anh phải xây dựng phương án, phải phối hợp với các đơn vị, phải chủ trì. 
 
Thực hiện đề án này trước đây theo phân cấp thì quận quản lý hè, chúng tôi có cấp cho một số cơ quan doanh nghiệp thực sự cần thiết trên tuyến phố này đến tháng 6/2014. Từ tháng 7 chúng tôi thu hồi giấy phép và Ủy ban quận Hoàn Kiếm họp với các sở ngành để chỉnh trang cho hai tuyến phố này đẹp hơn. Chúng tôi bắt buộc các xe ô tô phải để ở dưới lòng đường và không được đỗ trên vỉa hè.
 
Khi đã sắp xếp chỗ đỗ ở dưới lòng đường, xếp chéo như vậy đã nâng được hệ số phương tiện lên tương đối nhiều. Cho nên nhu cầu đỗ ô tô trên hè đã hạn chế đi. Chúng tôi khẳng định kết cầu hè không đủ để ô tô lên. Hiện nay đã cấp dưới lòng đường rồi thì chúng tôi không cấp phép đỗ xe trên vỉa hè nữa. Tất cả các cơ quan doanh nghiệp trước đã được cấp phép, nếu như các cơ quan doanh nghiệp vẫn có nhu cầu thì chúng tôi cấp phép cho trông giữ xe đạp, xe máy. 
 
Đối với ô tô, ngay trước cửa cơ quan đã có điểm trông giữ của Công ty khai thác điểm đỗ, nên ô tô phải đỗ ở dưới lòng đường. Hai là nếu các tòa nhà có hầm thì đưa xe máy ra hè và đưa ô tô xuống hầm. Như vậy, quận đã tính đến những giải pháp tối ưu nhất cho các doanh nghiệp. 
 
PV: Thực tế vẫn có hiện tượng đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, phải chăng có sự khuất tất ở đây?
 
Ông Đào Quang Tâm: Toàn bộ đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo hiện nay quận Hoàn Kiếm không cấp bất cứ một giấy phép nào cho một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đỗ ô tô trên hè kể cả Văn phòng Quốc hội trên đường Lý thường Kiệt và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Bộ Giao Thông, Công an Thành phố. Trên hai trục tuyến đó chúng tôi không cấp một trường hợp nào. Không có bất cứ một giấy phép nào, tôi khẳng định điều đó. 
 
Hiện nay vẫn còn có một số cơ quan để ô tô trên vỉa hè, tôi khẳng định, việc các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang để xe trên hè phố là hoàn toàn trái quy định. Mà việc kiểm tra xử lý này thuộc chức năng của các ngành chức năng kiểm tra xử lý theo đề án. Theo đó, trong 3 tháng thí điểm đầu thường xuyên hang ngày có những tổ công tác của cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông chuyên kiểm tra xử lý và không để bất kỳ một xe nào đỗ trái chiều, không có những phương tiện đỗ trên hè. 
 
Hiện tại vẫn còn tình trạng ô tô đỗ trên hè thì khẳng định trách nhiệm thẩm quyền điều tra và xử lý vấn đề này là của Công an thành phố Hà Nội, là phòng Cảnh sát giao thông. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành có nhiệm vụ giải quyết vấn đề này. Phòng Quản lý đô thị không có nhiệm vụ xử lý hành chính vấn đề này. Nhiệm vụ của Phòng quản lý đô thị là tham mưu văn bản chỉ đạo đường lối chủ trương về quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chứ chúng tôi không có thẩm quyền trực tiếp đi kiểm tra xử lý. Để xảy ra tồn tại đó là trách nhiệm của các đơn vị kia. 
 
Không chỉ tòa Capital mà cả Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội và rất nhiều cơ quan khác họ cũng cứ để xe trên vỉa hè và đây là đỗ xe trái phép. 
 
PV: Qua thực tế cho thấy việc thí điểm dự án này có nhiều điều bất cập, ông đánh giá thế nào về đề án này sau 3 tháng thí điểm?
 
Ông Đào Quang Tâm: Ủy ban Quận Hoàn Kiếm đã có ý kiến, một là triển khai thí điểm trên hai tuyến này cũng chỉ giải quyết được nhu cầu đỗ xe của một số cán bộ nhân dân, tăng thêm diện tích đỗ xe. Nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cho thấy nó còn rất nhiều bất cập.
 
Hai là, những ngày đầu triển khai thực hiện các lực lượng triển khai xử lý rất tốt, đường rất thông thoáng, không có xe đỗ đối diện, không có xe đỗ trên hè. Có thể nói, những ngày đầu đường phố rất thông thoáng sạch đẹp, đạt được tiêu chí. Nhưng sau đấy có thời gian không có lực lượng nên bây giờ các phương tiện ô tô đỗ trái chiều tương đối nhiều, ba là đỗ trên hè quá nhiều.
 
Vấn đề nữa là chỗ đỗ thì có nhưng xe không vào được hoặc không muốn phải nộp phí họ cứ đẩy lên hè. Lực lượng kiểm sát xử lý không có, khi lên hè rồi lại rất khó khăn cho lực lượng xử lý. Vì xe đỗ trên hè để cẩu kéo một cái xe không có cách nào kéo được vì các xe khác để dưới lòng đường đã chặn hết lối ra. Cho nên tạo ra sự mất trật tự, lộn xộn trên 2 tuyến này kể cả vỉa hè và lòng đường. 
 
Chính vì không xử lý được xe đỗ trái chiều, do vậy luồng giao thông bị thu hẹp rất lớn. Cho nên lưu thông trên 2 tuyến đường này không đạt, nhất là vào giờ cao điểm, hoặc tại các nút giao thông ngã ba ngã tư. Lúc lưu thông gặp xe trong điểm đỗ chui ra tạo ra sự xung đột.
 
Thứ hai, việc triển khai thí điểm này đơn vị sơn kẻ không đúng theo quy định. Theo sự thống nhất giữa sở ngành và quận là chỉ kẻ chéo 35 độ, nhưng theo khảo sát của chúng tôi là đường kẻ hiện nay phải đến 50-60 độ, gần như kẻ vuông góc và chiếm phần đường rất lớn. 
 
Thứ ba, tuyến Lý Thường Kiệt thì xếp một bên còn tuyến Trần Hưng Đạo thì xếp xen kẽ, so le. Làm cho trên một con đường nhưng tim đường thay đổi, phải đi lượn sóng. 
 
PV: Với những bất cập trên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân cũng như việc giao dịch, kinh doanh của các cơ quan doanh nghiệp, vậy theo ông có nên hủy bỏ việc thí điểm này hoặc thay đổi để thuận tiện hơn cho việc đỗ xe của người dân?
 
Ông Đào QuangTâm: Ngày 4/8 Ủy Ban quận đã có công văn 770 gửi Sở Giao thông và Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các lực lượng kiểm tra xử lý vấn đề ô tô đỗ trái chiều và ô tô đỗ trên hè. Đồng thời chúng tôi cũng có một công văn chỉ đạo các lực lượng chức năng ở quận và lực lượng công an các phường kiểm tra xử lý, để giải quyết triệt để tình trạng xe đỗ trên hè và xe đỗ trái chiều. 
 
Chúng tôi đã đề nghị trên hai 2 tuyến này có rất nhiều cơ quan của nhà nước, và các doanh nghiệp lớn như Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính, Viện Kiểm Sát Tối Cao, Bộ Giao thông, Mặt trận tổ quốc và các tòa nhà lớn thì phải có cơ chế giá ưu tiên. Để các cơ quan họ có chỗ để xe thì phải ký hợp đồng theo tháng thì giá mới rẻ. Còn cứ theo quy đinh của thành phố hiện nay thì cứ 2 tiếng 30 nghìn, cán bộ nhà nước họ làm 8 tiếng thì phải mất 120 nghìn. Tính một tháng làm 24 ngày thì phải mất hơn 3 triệu. 
 
Vừa rồi họ đề nghị tiếp tục triển khai mô hình này ra các tuyến phố khác nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi cho rằng chúng ta đang triển khai mô hình thí điểm và thấy việc thí điểm này hiệu quả chưa cao. Cho nên nếu tiếp tục duy trì phương án này thì cần phải kiện toàn củng cố lại ngay. 
 

 

Như Trâm (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo