Doanh nghiệp

Ông chủ Tôn Đông Á và “chiến lược vượt bão”

Trong vài năm qua, cùng với sự suy thoái của nền kinh tế, các DN gặp không ít khó khăn, thậm chí một số DN còn muốn buông xuôi. Tuy nhiên bằng cách xây dựng định hướng, tầm nhìn tương lai với phương châm “đừng để nước đến chân mới nhảy”, doanh nhân Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty CP Tôn Đông Á (TĐÁ) vẫn cùng DN phát triển bền vững.



Ông chia sẻ, với 17 năm qua, kể từ ngày đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng nhà xưởng sản xuất tôn, tôi đã trải qua không ít thời điểm phải đối mặt với khó khăn,nhưng vẫn “một lòng, một dạ” trung thành với nghề của mình đã tạo dựng. Chính sự yêu nghề này, tôi đã vượt qua tất cả.

Định hướng thị trường với tầm nhìn xa

Với định hướng này, TĐÁ đã xây dựng bền vững thương hiệu của mình trên nền tảng “định hướng thị trường, tầm nhìn của một DN vươn ra biển lớn…” và khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường tôn, thép Việt Nam. Ông Trung cho biết, dự án nhà máy sản xuất tôn thứ hai có công suất 800.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD của TĐÁ đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2013, tọa lạc trên diện tích  hơn 12 ha tại KCN Đồng An II,Thủ Dầu Một, Bình Dương. Công nghệ nhà máy được giới chuyên môn đánh giá là hiện đại nhất hiện nay trong ngành sản xuất tôn thép tại VN. Sau gần 2 năm xây dựng, nhà máy đã chính thức đi vào vận hành giai đoạn I trong quí 4/2014 và theo kế hoạch tiếp tục hoàn thiện ổn định dây chuyền sản xuất, để vào đầu quý 2/2015 sẽ cho công suất đạt khoảng 200.000 tấn/năm. Sản phẩm chính của nhà máy là thép lá mạ kẽm, thép lá mạ hợp kim nhôm kẽm, thép lá mạ màu, thép cán nguội... Giai đoạn II của nhà máy dự kiến hoàn thành trong 2016 - 2017.

- Vậy ông có thể chia sẻ về chiến lược đầu tư này?


Như tôi đã nói, để bắt tay vào xây dựng nhà máy sản xuất tôn có qui mô lớn ngang tầm quốc tế không phải là chuyện nhất thời. Phải có tầm nhìn chiến lược cho tương lai: qui mô và công nghệ nhà máy, công suất, sản phẩm…Tầm nhìn này chúng tôi đã mất nhiều năm liền xây dựng kế hoạch, tính toán, định hướng... Kể từ năm 2007 chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu dự án, năm 2009 công bố dự án và đến năm 2010 bắt đầu triển khai từng công đoạn của dự án như: đi tìm quỹ đất, kế hoạch huy động vốn, tìm hiểu công nghệ, tính toán đầu ra... Khi hội tụ đủ các yếu tố cơ bản, đầu năm 2013, chúng tôi đã tiến hành khởi công xây dựng.

- Có nghĩa ông đã có tầm nhìn về thị trường tôn, thép cách đây gần cả chục năm về trước?


Tôi khởi nghiệp từ nghề xây dựng và buôn bán vật liệu xây dựng, sau đó đầu tư nhà xưởng sản xuất tôn. Là người có kinh nghiệm nghề nghiệp, nên tôi có thể định hướng được nhu cầu hàng chất lượng cao sẽ chiếm lĩnh thị trường, nếu mình không đầu tư để có sản phẩm tương ứng. Vì thế TĐÁ không thể mãi sản xuất tôn với công nghệ lạc hậu gần nửa thế kỷ nay, sản phẩm chất lượng thấp. Nên chiến lược đầu tư không thể dừng, nhưng phải có tầm nhìn xa trông rộng mới có sức cạnh tranh và không sợ thất bại.

- Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều nhà máy sản xuất tôn có công nghệ cao, công suất lớn, sản phẩm tương ứng... Vậy nhà máy TĐÁ có còn là người đi “tiên phong” nữa không thưa ông?

Nếu tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy sản xuất tôn có quy mô, chỉ khoảng 4-5 nhà máy, kể cả các DN FDI. Nên khi bắt tay vào xây dựng đề án này, chúng tôi định liệu trước được nhu cầu của thị trường, đối thủ cạnh tranh, phòng ngừa rủi ro trong tài chính.Tuy nhiên đừng quá chậm không theo kịp với thị trường, hoặc nếu quá táo bạo mà không quan tâm đến các yếu tố rủi ro khác. Vì thế  nhà máy mới này đã được đầu tư theo lộ trình cuốn chiếu. Sản phẩm của từng giai đoạn phải đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường, cũng như tích lũy tài chính đảm bảo cho giai đoạn đầu tư tiếp theo. Và tôi nghĩ, trong xu thế phát triển chắc chắn sẽ có sự sàng lọc. Nếu làm bài toán so sánh về chủng loại và chất lượng sản phẩm vài năm trước đây và bây giờ chưa nhìn thấy sự khác biệt giữa các nhà máy đang sản xuất tại VN. Nhưng tương lai sẽ có sự khác biệt lớn về chủng loại sản phẩm, cũng như chất lượng. Vì thế, TĐÁ tự tin sẽ là đơn vị tiên phong về chất lượng tôn thép chất lượng cao trong vài năm tới.

- Các cụm từ “chất lượng cao, công nghệ hiện đại...” vẫn thường nhắc chung chung  để nâng tầm dự án. Vậy ông có thể “tiết lộ” công nghệ của nhà máy mới này hiện đại ở mức độ nào?

  Để có sản phẩm và công suất như đã tính toán, nhà máy được lắp đặt toàn bộ công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất của Châu Âu, Mỹ, Nhật (trong đó đầu tư dây chuyền sản xuất thép cán nguội (CRC) từ thép cán nóng (HRC) của nhà cung cấp Danieli - Italy và một dây chuyền mạ kẽm công suất 200.000 tấn/năm của Nippon Engineering – Japan). Bởi hiện nay các nhà máy trong nước phải nhập khẩu HRC để sản xuất CRC. Nhưng một vài năm tới sẽ có HRC trong nước để sản xuất CRC. Ngoài ra nhà máy được hỗ trợ hoạt động với hệ thống quản trị nguồn lực DN ERP của Oracle - Mỹ, phần mềm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành sắt thép. Hệ thống này sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành quản trị Công ty, phòng chống rủi ro... là những lợi thế của nhà máy cho sản phẩm chất lượng cao như thép lá mạ chất lượng cao, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp xây dựng, thiết bị gia dụng, ngành giao thông vận tải. Sản phẩm xuất khẩu vào các nước Châu Âu, Mỹ  để dùng trong công nghiệp xây dựng, sản xuất các mặt hàng điện gia dụng, điện lạnh... Đây là những sản phẩm hiện các nhà máy thép VN còn hạn chế sản xuất, chúng ta phải nhập khẩu.

- Như vậy, giai đoạn I của nhà máy đã đi vào hoạt động, vậy đầu ra của sản phẩm hiện nay như thế nào thưa ông?

Sản xuất đang đi vào ổn định, nhưng sản phẩm từ nhà máy mới này ngoài tiêu thụ nội địa, chúng tôi đã xuất khẩu sang các nước trong khu vực (khoảng 5 nước). Dự kiến trong năm 2015, TĐÁ xuất khẩu khoảng 40%, còn lại phục vụ thị trường nội địa dùng trong xây dựng công nghiệp, lắp ráp nhà tiền chế, kết cấu trong xây dựng… Dù thị trường tôn thép vẫn còn khó khăn, nhưng chúng tôi kỳ vọng năm 2015 tổng doanh thu đạt khoảng 5.500 tỷ đồng (bao gồm cả sản lượng nhà máy chính khoảng 350.000 tấn/năm)   

- Trong thương mại, hệ thống phân phối đóng vai trò khá quan trọng, vậy TĐÁ đã định hướng phát triển hệ thống phân phối của mình ở cấp độ nào thưa ông?

Không thể nói trước được điều gì, nhưng chúng tôi khá tự tin vào chiến lược kinh doanh của mình dựa trên nền tảng: DN có bề dày lịch sử; thương hiệu uy tín; sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm, thương hiệu hướng đến cộng đồng, hệ thống chi nhánh, đại lý cấp I, các nhà bán lẻ... được đầu tư trọng điểm tại những vùng miền đã gắn kết cùng TĐÁ lâu năm. Thị phần trong nước cũng như xuất khẩu mở rộng....và chúng tôi đang xây dựng hệ thống liên kết giữa nhà sản xuất – Cty thương mại - hệ thống phân phối. Tương lai, TĐÁ chỉ tập trung vào sản xuất, bán hàng sẽ có những Cty thương mại đảm nhận.

Cơ hội cho những DN biết nắm bắt...


- Theo ông, các DN ngành tôn cần những giải pháp gì để cạnh tranh và phát triển khi hàng giả, hàng nhái tràn lan, các Hiệp định Thương mại đa phương, song phương đang đi đến hồi kết?


Tôi nghĩ, bây giờ nói đến chuyện đối phó với hàng giả, hàng kém chất lượng, hay hàng rào thuế quan đã quá chậm. Mặc dù so với 10 năm trở về trước ngành tôn, thép đã có tăng trưởng gấp 7-10 lần. Nhưng đa phần các nhà máy đầu tư công nghệ thấp, công nghệ từ Trung Quốc. Quy mô nhà máy nhỏ, trung, sản phẩm mới đáp ứng ở phân khúc như tấm lợp, sản xuất ống thép, xà gồ… Còn những nhà máy có công nghệ cao, quy mô lớn cũng chỉ vài đơn vị. Nên so với nhu cầu thị trường còn thiếu hụt cho các sản phẩm cao cấp và những sản phẩm cao cấp thì khó làm giả được. Còn như chúng ta thấy, trong năm 2014, thị trường tôn, thép VN bị hàng kém chất lượng, nhái thương hiệu thao túng từ Trung Quốc tràn vào. Họ cũng đầy rẫy các nhà máy cũ kỹ lạc hậu, sản phẩm chất lượng kém. Hơn nữa hiệp định Thương mại song phương giữa Trung Quốc và VN đã thực thi, trong đó có ngành tôn thép thuế suất  bằng không.

- Nói như vậy, trong dòng chảy này, vẫn còn cơ hội cho ngành sản xuất tôn phải không thưa ông?


Như tôi đã trình bày, VN vẫn có nhiều lợi thế hơn về sản phẩm tôn chất lượng cao. Hiện nay VN đã xuất khẩu tôn sang khoảng 20 nước  và đã có tên tuổi trên bản đồ khu vực về ngành tôn. Tôi nghĩ đây là lợi thế và cơ hội tốt cho những DN biết tính toán đầu tư. Còn thị trường sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ, cạnh tranh gay gắt, nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao trong ngành sản xuất tôn. Hơn nữa, người tiêu dùng bây giờ đã “thông thái” hơn nhiều, nên hàng kém chất lượng, hàng nhái sẽ bị loại trừ dần, cơ hội sàng lọc cho các nhà máy đầu tư chuẩn mực, bài bản… là tất yếu. Và tôi nghĩ không riêng gì ngành tôn, thép, các ngành khác cũng vậy, phải vươn lên mạnh mẽ. Bởi năm 2015 sẽ là năm nền kinh tế VN hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Việc cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho các DN. Tuy nhiên, hội nhập sẽ luôn đi đôi với cạnh tranh khốc liệt. Do đó, không còn cách nào khác là chính bản thân các DN cần phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Xin cảm ơn và chúc cho những chiến lược của ông thành công!

 

 Ông Nguyễn Thanh Trung Tốt nghiệp khoa xây dựng Trường Đại học Bách khoa TP HCM năm 1982. Năm 1998 ông thành lập Cty TNHH Tôn Đông Á, sản xuất tôn khi thị trường còn sơ khai. Theo nhận định trong giới chuyên môn, ngành tôn VN, nếu xây dựng được năng lực cạnh tranh tốt, DN sẽ được hưởng lợi rất nhiều với việc mở rộng thị trường, đưa hàng hóa tiến vào các nước ASEAN. Ngược lại nếu việc chuẩn bị hội nhập không tốt thì rủi ro không ít và VN trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực, trong đó có cả hàng hóa kém chất lượng. Do đó, chính bản thân các DN cần phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo