Doanh nghiệp - Doanh nhân

Ông Đỗ Quang Hiển - từ 'chúa chổm' thành chủ ngân hàng

Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T - ông Đỗ Quang Hiển từng rơi vào cảnh nợ nần, đứng bên bờ vực phá sản.

Xỏ tay vào chiếc túi quần rỗng, đi đi lại lại giữa lối đi hai bên chất đầy tivi, tủ lạnh không bán được của T&T, ông Đỗ Quang Hiển chẳng biết làm gì khi trên vai còn gánh nặng nợ thuế cả gần chục tỷ đồng.

Đó là giữa năm 1998, cứ mỗi buổi sáng mở mắt ra, người đàn ông sau này là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) kiêm Tập đoàn T&T, lại thấy giá mỗi cái tủ lạnh, tivi của mình rớt thêm.

Ông Đỗ Quang Hiển từng có lúc đứng bên bờ vực phá sản. Ảnh: H.N.

"Tôi từng nghĩ có thua lỗ cũng không hết tiền"

Ông Đỗ Quang Hiển được biết đến đầu tiên trên thương trường và thành công với Công ty Công nghệ và Thương mại T&T.

Những năm đầu thập niên 90, T&T của ông Hiển là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng. T&T được độc quyền nhập và phân phối tủ lạnh, máy giặt, điều hoà, tivi... cho các hãng của Nhật như Panasonic, Mitsubishi, National... toàn miền Bắc.

Vậy mà đúng lúc kinh doanh đang ở đỉnh cao thì rủi ro xảy ra. Năm 1998, một lượng lớn hàng điện tử, điện lạnh…nhập lậu được kê khai thành máy tính để chỉ phải chịu mức thuế 0- 5% đã tuồn vào thị trường và bán ra với giá rất rẻ.

Trong khi ấy, T&T hàng nhập chính ngạch với mức thuế 60% - không thể cạnh tranh được đã tồn kho một lượng lớn đồng thời gánh món nợ thuế hơn 7 tỷ đồng – con số quá lớn tại thời điểm đó .

 

"Mỗi ngày, nhìn những chiếc tủ lạnh, tivi… rớt giá mà không biết phải làm gì trong khi trên đầu vẫn còn nợ thuế, thậm chí tôi còn 'được' lên trang nhất của một tờ báo với cái tít 'chúa chổm' rồi đấy", ông tếu táo kể lại.

Trước tình cảnh đó, ông Hiển tìm cách chu cấp cho nhân viên, giới thiệu sang công ty khác và chỉ dám giữ lại đôi ba người thân tín để cùng xoay sở.

3 năm khủng hoảng rồi cũng qua đi. Đến năm 1998, ông gặp một cơ duyên khác và vực dậy uy tín của T&T với ngành sản xuất xe máy. Khi thị trường mà T&T tiên phong tìm ra trở thành “miếng bánh” ngon của gần 60 doanh nghiệp khác thì khó khăn, thất bại lại đến.

Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ", ông Hiển nói. Quyết tâm đó đã giúp ông gây dựng lại T&T một lần nữa.

Khi còn là sinh viên, ông Đỗ Quang HIển chỉ thích trở thành giáo sư vật lý hoặc nhà sáng chế khoa học. Ảnh: H.N.

Chuyên gia xử lý nợ xấu

 

Năm 2006, sau khi đã khôi phục lại T&T thành công với mảng sản xuất linh kiện, ông Đỗ Quang Hiển đầu tư vào SHB (khi đó là Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái) và trở thành Chủ tịch ngân hàng. 5 năm sau, từ quy mô vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, hoạt động phạm vi hạn hẹp, ngân hàng của ông năm 2011 đã đạt vốn điều lệ gần 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản từ 1.300 tỷ lên hơn 70.000 tỷ đồng.

Những ngày tháng bất đắc dĩ làm "chúa chổm" đã dạy cho doanh nhân này "mẹo" đi đòi nợ xấu ngân hàng hiệu quả, cách hồi sinh doanh nghiệp thành công, với những cái câu chuyện tái cơ cấu của Habubank, Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) hay Công ty tài chính Vinaconex-Viettel.

Ông Hiển từng nói, đòi nợ xấu phải có "bách nghệ", một trong những "nghệ" quan trọng nhất theo ông là phải hiểu doanh nghiệp và "nằm gai nếm mật".

Với Bianfishco, một "chúa chổm" của SHB sau khi nhận sáp nhập Habubank, lại đối mặt với nguy cơ mất trật tự xã hội trên địa bàn nên đích thân chủ tịch SHB bắt tay vào xử lý và trực tiếp vào "ăn ngủ" ở Cần Thơ.

Điều đầu tiên ông làm là trả nợ cho bà con nuôi cá và cam kết sẽ tiếp tục thu mua khi nhà máy đi vào hoạt động trở lại.

 

Sau công cuộc tái cấu trúc, Bianfishco đã hồi sinh, từ chỗ thua lỗ, nợ ngân hàng, nợ người bán cá đã bắt đầu có lãi, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người lao động. 3 năm qua, mỗi năm Thủy sản Bình An xuất khẩu được từ hơn 20-30 triệu USD.

Duyên kinh doanh của anh kỹ sư vật lý

Ông HIển đã từng vài lần nói không với làm kinh tế, làm doanh nhân nhưng rồi cái duyên ấy nó vẫn vận vào người.

Vì thần tượng các giảng viên đại học nên từ đầu, ông mơ mộng trở thành một giảng viên, giáo sư vật lý với nhiều bằng sáng chế khoa học chứ không phải làm doanh nhân.

Học giỏi các môn tự nhiên, ông thi vào Đại học tổng hợp khoa vật lý nhưng chẳng hiểu sao, khi đỗ, lại thấy tên xếp ở khoa Kinh tế chính trị dù đủ điểm đỗ khoa Lý. Hỏi ra thì ông được biết, khoa này mới thành lập được một năm, chủ trương lựa chọn những sinh viên học giỏi, có lý lịch tốt.

"Tuy nhiên, tôi nhất quyết sang khoa Lý vì chỉ ước mơ là nhà nghiên cứu vật lý nên nhà trường đồng ý", ông kể.

 

Ra trường, ông về làm việc tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Lúc đó Viện định hướng có tính nghiên cứu ứng dụng nên ông có cơ hội tiếp xúc với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Từ đó ông đã chuyển sang kinh doanh một cách rất tình cờ, trở thành đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc… ở phía Bắc. Năm 1993 Công ty TNHH T&T ra đời trong bối cảnh như vậy.

"Đúng là duyên số! Dù tôi có tránh làm kinh doanh mấy lần thì cái nghiệp ấy nó vẫn đến với mình", ông Hiển chiêm nghiệm. Có lẽ vì thế, mà ông dành toàn bộ tâm huyết, đam mê cho kinh doanh. Và ông tâm niệm, ông sẽ còn đam mê, còn tâm huyết cho đến khi kết nghiệp.

"Tôi ở lại SHB và sẽ từ chức Chủ tịch T&T"

Chia sẻ về việc sẽ chọn đi hay ở với SHB và T&T khi Luật các tổ chức tín dụng (mới sửa đổi) với yêu cầu các chủ tịch ngân hàng không được kiêm nhiệm ở công ty khác có hiệu lực, ông Hiển cho biết sẽ thôi chức ở Tập đoàn T&T.

Theo ông, một nhà quản trị giỏi là phải xây dựng được một hệ thống và các cấp quản lý ổn, chạy trơn tru ngay cả khi không có mặt mình. 

"Với các doanh nghiệp như T&T, thực tế nhiều năm qua dù giữ chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc nhưng tôi không dành quá nhiều thời gian điều hành trực tiếp. Có thời gian tôi dành toàn bộ ngồi ở SHB và cả một, hai tháng liền không sang T&T. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn ổn", vị doanh nhân đang quản lý và điều hành gần 50.000 nhân viên chia sẻ. 

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo