Chân dung

Ông Trương Gia Bình: Con đường từ nhà khoa học trở thành doanh nhân

25 năm dành trọn tâm huyết cho câu chuyện lớn nhất của cuộc đời là FPT, ông Trương Gia Bình vẫn cảm thấy: “Điều duy nhất tôi tiếc là sẽ không trẻ mãi để được đam mê”.

Tuổi thơ gian khó

Cũng như hầu hết những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh, cậu bé Trương Gia Bình thời ấy đã trải qua những năm tháng tuổi thơ gian khó nhưng “vô cùng lãng mạn, tuyệt vời”.

Ông Bình nhớ lại: “Năm tôi 8 tuổi khi đang lớp hai, thì xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8/1964) khiến tôi và gia đình phải sơ tán về vùng nông thôn. Trong tâm trí của một cậu bé khi đó, thay đổi môi trường sống là một cái gì đó khá mới mẻ và gian khổ là điều rất bình thường. Gian khổ giúp “đẻ” ra những điều mới lạ. Ví dụ như mất cả tháng trời đục đá, mài nhẵn để làm nên một hòn bi hoặc muốn biết bơi phải tự học bơi…”

Chính những năm chiến tranh ác liệt mà tên bay đạn lạc diễn ra hàng ngày, ngay trước mắt đã tôi luyện nên một Trương Gia Bình “không biết sợ” và sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn thử thách sau này, ông Bình chia sẻ.

Thời học cấp ba, dù học chuyên toán nhưng cậu học sinh Trương Gia Bình cũng rất giỏi các môn xã hội, đặc biệt là môn văn và triết học. Cậu thường nói về triết học, trình bày các quan điểm dưới góc nhìn và ngôn ngữ triết học. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới những phẩm chất lãnh đạo của ông chủ Tập đoàn FPT sau này.

Từ nhà khoa học rẽ ngang thành doanh nhân

“Thời ấy, tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa vẫn tin rằng cả thế giới khao khát được trở thành người Việt Nam, Việt Nam là lương tâm của thời đại. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài (Liên Xô), tôi mới thấy thực ra người ta không xem trọng người Việt Nam như tôi vẫn nghĩ bởi vì hành vi của chúng ta rất khác người, nghèo và rất dễ bị coi thường. Chính vì vậy, khi mới FPT mới thành lập, tôi đã đặt ra mục tiêu PPT sẽ phải góp phần hưng thịnh quốc gia bởi chỉ có hưng thịnh chúng ta mới rửa được nhục nghèo, hèn”, ông Bình nói.

Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học, ông đã bắt đầu viết bài báo đầu tiên để công bố ở một hội thảo liên bang. Nhờ bài báo đó, ông đã học được bài học quý giá nhất trong đời mình đó là khả năng trình bày và thuyết phục.

“Thầy giáo tôi đã rất kiên trì để dạy tôi thuyết trình trước hội thảo bằng tiếng Nga. Ông đã sửa cho tôi từng hành động, từng nội dung, từng chữ một. Suốt cả ba tuần, tôi chỉ tập trình bày một báo cáo dài 15 phút. Sau khi học được các kỹ năng thuyết trình của thầy, tôi thấy mình thật may mắn bởi nó đã trở thành một công cụ bậc nhất trong kinh doanh, đặc biêt là bán hàng”, ông Bình nhớ lại.

Ông nói rằng: Cuộc đời may mắn đã cho ông gặp được những người thầy giỏi nhất thế giới và những điều học được đã ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của ông từ khi lập nghiệp cho đến tận bây giờ.

Những gì ông được học từ trường đại học đã đưa ông trở thành một nhà khoa học nhưng cuộc sống của một nhà khoa học khi đó gặp rất nhiều khó khăn và bản thân ông thấy nó không giúp được nhiều cho Việt Nam. Vì vậy, khi thấy cơ hội đến ông đã lựa chọn rẽ ngang để trở thành một doanh nhân dựa trên các mối quan hệ của một nhà khoa học.

“Với học vị Phó tiến sĩ toán lý tại một trường đại học danh giá nhất Liên Xô (MGU), tôi có rất nhiều lựa chọn cho tương lai. Nhưng tôi cùng một số đồng đội đã từ bỏ con đường nghiên cứu khoa học cơ bản để chuyển sang làm kinh tế, với hy vọng mang lại sự giàu có cho bản thân và đất nước”, ông Bình nói.

Cùng những người bạn đang làm việc tại Viện Cơ học thuộc Viện Khoa học Việt Nam, ông Bình quyết định thành lập FPT với 13 nhân sự đầu tiên, đặt nền móng cho một tập thể khổng lồ 15.000 nhân sự sau 25 năm phát triển.

Những người sáng lập FPT vốn là dân khoa học, không có nhiều vốn và kinh nghiệm kinh doanh, nên vào thời điểm mới thành lập, bộ phận kinh doanh của công ty đã phải làm đủ mọi việc khác nhau từ bán máy tính; sấy thuốc lá; lắp đặt thiết bị máy lạnh đến thiết kế, chế tạo dây chuyền chế biến bột chuối, dứa.

Sau một năm loay hoay với việc kiếm tiền duy trì hoạt động của công ty, FPT cũng đã ký được hợp đồng đầu tiên là trao đổi máy tính lấy thiết bị với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trị giá 1 triệu USD.

Trên đà thành công, FPT tiếp tục khai thác thế mạnh của đội ngũ khoa học, chọn lĩnh vực công nghệ thông tin làm chủ đạo với những đề án như thiết kế hệ thống đặt chỗ giữ vé, đăng ký bay; tự động hóa hệ thống đèn chiếu sáng cho Hà Nội; thâm nhập mở rộng và khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phần mềm tại thị trường nước ngoài; tích hợp hệ thống; dịch vụ công nghệ; phân phối; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin…

Từ năm 1996, FPT đã khẳng định được vị trí là công ty tin học số một tại Việt Nam, trở thành đối tác quan trọng của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.

Ông Trương Gia Bình tại buổi chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp ngày 5/4/2014. Ảnh: DĐDN.

FPT sẵn sàng làm “cửu vạn” cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới

Ông Bình cho biết, hiện nay ngành công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng theo xu hướng SMAC (viết tắt của Social, Mobile, Analytics and Cloud Services). Vì vậy, để bắt kịp xu hướng này, FPT sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm hay nói cách khác là làm “cửu vạn” cho các đối tác nước ngoài.

Tất nhiên, “cửu vạn” chỉ là một cách nói vui của ông Bình về việc FPT muốn hợp tác với nhiều hãng lớn như IBM, HP, Microsoft, Oracle, CISCO, SAP, WIPRO…  để gia công phần mềm cho các hãng này dựa trên lực lượng lao động trẻ và tài năng của FPT.

Trong thời gian đầu FPT đã không thành công trong kế hoạch ra biển lớn, thậm chí mất cả triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, sau những thất bại này, FPT đã nhận ra rằng, cần phải có cách đi riêng, cách tiếp cận khác để bán được hàng cho các công ty lớn và tên tuổi chứ không chỉ đơn thuần đi theo con đường của các cường quốc về xuất khẩu phần mềm.

Năm 2001, ông Bình quyết định đi Pháp để thương thảo với IBM Pháp và mở ra được hợp đồng làm phần mềm đầu tiên của FPT cho IBM.

Để có được thành công trong chuyến đi Pháp làm việc với IBM, ông đã phải chuẩn bị rất chu đáo. Ông đã thuyết phục họ bằng việc trình bày về ý tưởng “Digital Water Fall” (Thác số, Cầu vượt), nhấn mạnh các lợi ích họ có được khi làm việc với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Bình nói: “Trước năm 1986, công việc bị hạn chế về địa lý, nhưng khi Internet đi vào thương mại thì dòng công việc có thể chảy khắp mọi nơi, quy luật thế giới phẳng. Nếu ai muốn khai thác lợi ích của dòng chảy công việc đó thì phải tìm nơi có khoảng cách về chi phí là lớn nhất. Đó chính là Việt Nam, chúng tôi có lực lượng lao động trẻ”. Và ông đã thuyết phục được IBM bằng ý tưởng này. Đây cũng là bước ngoặt đóng góp vào sự thành công của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT.

Tương tự như vậy, khi mới đặt chân vào thị trường Nhật, FPT gần như thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục các đối tác do không thông thạo tiếng Nhật. Nhưng với quyết tâm thâm nhập được thị trường khó tính bậc nhất thế giới này, ông Bình cùng đội ngũ lãnh đạo FPT đã không ngừng trau dồi khả năng tiếng Nhật.

Và kết quả là, sau 8 năm phát triển, Nhật Bản đang là thị trường đóng góp doanh thu lớn nhất cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT. Tại đây, FPT đã có hơn 60 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng thân thiết là các tên tuổi lớn như Hitachi, NTT, Canon. Hơn 50% doanh thu từ xuất khẩu phần mềm của FPT đến từ thị trường Nhật.

Với định hướng chiến lược trở thành tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh, ông Bình đang đặt ra cho FPT ba “trận đánh” lớn tại ba thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

“Chưa bao giờ FPT có cơ hội ganh đua trong thế giới “thông minh” cùng với các tập đoàn công nghệ thông tin danh tiếng thế giới trên cùng một vạch xuất phát như hôm nay. Có rất nhiều việc phải làm và cần làm khẩn trương để đón bắt cơ hội này, FPT phải trở thành Tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh”, ông Bình khẳng định.

 

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo