Pháp luật

Vụ lùi xe ô tô trên cao tốc: Nhiều điều vô lý trong hồ sơ buộc tội lái xe Hoàng

(DNVN)- Thay vì tôn trọng các chứng cứ, tìm ra sự thật của vụ án, các cơ quan tố tụng Thái Nguyên lại chấp nhận nhiều điều vô lý, diễn giải sai pháp luật để khép tội lái xe container Lê Ngọc Hoàng…

Doanh nghiệp Việt Séc lao đao vì bị ép án / Xe ô tô lùi trên cao tốc: Một xe tiến, một xe lùi, tòa yêu cầu phải giữ khoảng cách an toàn?

Trong vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" hay còn gọi là vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, điều phi lý là hành vi điều khiển ôtô lùi trên cao tốc của lái xe inova Ngô Văn Sơn – nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc làm chết 4 người, lẽ ra phải được điều tra kỹ càng (Bắt đầu lùi ở đâu? Lùi ở làn nào? Tốc độ lùi? Có thực hiện hành vi quay xe để đi ngược chiều không?...) thì các cơ quan tố tụng Thái Nguyên không làm, chỉ đơn giản xác định Ngô Văn Sơn lùi xe để đi ra lối Yên Bình.

Trong khi đó, lái xe container Lê Ngọc Hoàng – phải được coi là nạn nhân của lái xeSơn- lại được các cơ quan tố tụng Thái Nguyên “chăm sóc” kỹ càng coi như là nguyên nhân cái chết của 4 người trên xe inova.

Ngoài những chứng cứ chủ chốt chứng minh lái xe Lê Ngọc Hoàng vô tội đã được Doanh nghiệp Việt Nam công bố trong bài “Vụ lùi xe trên cao tốc: Lộ chứng cứ lái xe Hoàng vô tội” ra ngày 10/11/2018, chúng tôitiếp tục đưa ra những chứng cứ cho thấy các cơ quan tố tụng Thái Nguyên cố tình ép án.

Vết phanh xe container chứng minh lái xe Hoàng đã tìm cách giảm tốc độ khi phát hiện xe inova lùi vào làn của mình.

Vết phanh xe container chứng minh lái xe Hoàng đã tìm cách giảm tốc độ khi phát hiện xe inova lùi vào làn của mình.

Không xác định vị trí và tốc độ khi xảy ra va chạm giữa hai xe

Hồ sơ vụ án thể hiện, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm có sự thiếu thống nhất trong việc xác định vị trí xảy ra va chạm giữa hai xe, cụ thể là: Hai bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên đều xác định xe của Hoàng đâm xe Innova rồi đẩy đi khoảng 10m. Trong khi đó, Cáo trạng của Viện KSND thị xã Phổ Yên lại xác định xe Hoàng đâm xe Sơn rồi đẩy đi khoảng hơn 38m.

Bản án hình sự sơ thẩm ngày 10/5/2018 TANDthị xã Phổ Yên xác định xe Hoàng đâm xe Sơn rồi đẩy đi trên 30m và cuối cùng thì Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xác định xe của Hoàng đâm xe Sơn rồi đẩy đi khoảng 10m.

Vậy đâu là sự thật? Bất chấp các dấu vết để lại trên hiện trường, các cơ quan tố tụng Thái Nguyên cho rằng xe của Hoàng đâm xe của Sơn rồi mới phanh chứ không phải phanh rồi mới đâm. Điều này cho thấy các cơ quan tố tụng đã không xác định được vị trí hai xe đâm vào nhau.

 

Cơ quan tố tụng các cấp Thái Nguyên cho rằng lái xe Lê Ngọc Hoàng không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật là xe inova của lái xe Sơn. Quy kết này được đưa ra dựa vào Kết luận giám định số 5902/C54-P6 ngày 19/01/2017

Kết luận giám định này có nội dung: "Ngay trước khi tốc độ về 0km/h xe ô tô không giảm tốc độ", nhưng nội dung này lại căn cứ vào dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên xe đầu kéo. Trong khi đó thiết bị này cho thấy tốc độ xe đầu kéo đang từ 62km/h đột ngột giảm về 0km/h.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (VP Luật sư Giang Thanh): “Điều này là phi lý vì muốn giảm về 0km/h, tốc độ của xe đầu kéo phải giảm dần xuống 50, 40, 30km/h… chứ không thể từ 62km/h giảm ngay xuống 0km/h”.

Ngay trong kết luận giám định cũng nêu: "Quá trình kiểm tra phát hiện thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình từ 15 giờ 39 phút 02 giây đến 15 giờ 39 phút 54 giây (52 giây)".

Còn tại CV số 1404/2017/BA-PCSKH ngày 14/4/2017 (BL 985, 986), Công ty Bình Anh là đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho xe đầu kéo đã nêu: "… Dẫn đến không ghi nhận được vận tốc tức thời từ 15:39:00 tới 15:39:29 (do bị ảnh hưởng bởi nguồn điện của xe)".

 

LS Giang Hồng Thanh phân tích: “Như vậy, lúc 15:38:59 xe đang ở vận tốc 62km/h; lúc 15:39:00 mất dữ liệu. Đã mất dữ liệu rồi thì lấy căn cứ nào để kết luận "Ngay trước khi tốc độ về 0km/h xe ô tô không giảm tốc độ"? Hơn thế nữa, nội dung "xe ô tô không giảm tốc độ" hoàn toàn trái ngược với thực tế vết trượt lốp trên hiện trường, bởi lẽ vết trượt lốp có là do dẫm chết phanh. Và khi đã dẫm chết phanh thì xe ô tô không thể không giảm tốc độ”.

Bản án phúc thẩm tuyên lái xe Hoàng 6 năm tù đã gây bất bình dư luận.

Bản án phúc thẩm tuyên lái xe Hoàng 6 năm tù đã gây bất bình dư luận.

Sự biến mất của tấm biển “Đi chậm”

Tại các lối ra khỏi đường cao tốc đều có hệ thống biển cảnh báo cho các lái xe. Trong các biển báo đó là biển tam giác tam giác vàng viền đỏ đề chữ “Đi chậm” (Biển này có mã số 243 trong hệ thống báo GTĐB).

 

Bất cứ lái xe nào cũng hiểu là hiệu lực của biển này chỉ áp dụng với phương tiện trong làn đường ra khỏi cao tốc. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng Thái Nguyên không hiểu như vậy.(?!)

Theo 2 Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên đều mô tả: “Tại góc giao nhau giữa mép đường bên phải với lối ra có biển báo hình tam giác Đi chậm”.

Đây là căn cứ để Cơ quan CSĐT cho rằng đủ cơ sở kết luận: “Lê Ngọc Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm và chướng ngại vật trên đường, đã vi phạm khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT… Do vậy, hành vi của Lê Ngọc Hoàng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Đến bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử không ngần ngại phán:"Biển báo Đi chậm được cắm bên phải đường có giá trị đối với phương tiện đi trên trục đường giao thông chính. Phía đường rẽ (lối ra) có biển báo hạn chế tốc độ riêng"(trang 14).

Theo LS Giang Hồng Thanh: “Nhận định này của Hội đồng xét xử sơ thẩm là không chính xác, bởi lẽ nếu biển báo “Đi chậm” đó có giá trị đối với phương tiện đi trên trục đường giao thông chính thì sau khi qua đoạn từ lối Yên Bình nhập vào đường cao tốc phải có biển báo chấm dứt hiệu lực của biển báo “Đi chậm” này.

 

Tuy nhiên hệ thống biển báo tại khu vực nút giao Yên Bình không có biển báo chấm dứt hiệu lực của biển báo “Đi chậm”. Điều đó đồng nghĩa với việc biển báo “Đi chậm” chỉ có hiệu lực đối với lối ra từ đường cao tốc rẽ vào Yên Bình”.

Biển báo tam giác vàng "Đi chậm" tại các lối ra cao tốc đã được các cơ quan tố tụng Thái Nguyên diễn giải sai.

Biển báo tam giác vàng "Đi chậm" tại các lối ra cao tốc đã được các cơ quan tố tụng Thái Nguyên diễn giải sai.

Điều đáng ngạc nhiên hơn trong hồ sơ vụ án có giải thích của cơ quan chuyên môn, thế nhưng hội đồng xét xử vẫn bỏ qua để có thể kết tội được lái xe Hoàng.

Tại công văn số 2884 ngày 29/11/2016, Cục quản lý đường bộ I thuộc Tổng cục đường bộ VN đã giải thích: "Về hiệu lực của biển báo Đi chậm - W.245 tại Km 40+600/QL3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) có tác dụng với lối ra nút giao Yên Bình (phải giảm tốc độ khi ra khỏi QL3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên)".

 

Dường như hội đồng xét xử phúc thẩm cũng bắt đầu nhận ra “sai lầm” của cấp sơ thẩm nên trong bản án phúc thẩm tấm biển tam giác vàng “Đi chậm” đã “biến mất” khỏi bản án. Thế nhưng,Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xử ép là lái xe Hoàng đã vi phạm khoản 1 Điều 5 Thông tư 91.(?!)

Liên quan đến vụ án này, sáng 13/11/2018 trao đổi với PV báo chí, Chánh án Tòa án ND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, Tòa Tối cao định thời hạn xem xét lại vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên trong 1 tuần. Tòa Tối cao đã xác định nhiều vi phạm cũng như những nội dung chưa được giải quyết đến cùng tại tòa cấp dưới”.

Đỗ Văn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm