Thị trường

Phát triển kinh tế, người dân kiếm tiền tỷ nhờ nuôi ba ba

Nhờ việc linh hoạt trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đổi mới con giống, đầu tư xây dựng ao, chuồng trại nuôi ba ba đã thoát nghèo.

Hiện nay, mô hình nuôi ba ba gai, rùa câm ngay tại nhà đã giúp nhiều hộ dân ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vượt qua đói nghèo, điển hình như gia đình anh Đỗ Hữu Thanh (xã Thiệu Hợp, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) thu nhập khoảng 100 triệu/năm; anh Đỗ Hữu Hân thu nhập khoảng 400 triệu/năm; anh Đỗ Hữu Nhung thu nhập khoảng 700 triệu/năm. 

Xã Thiệu Hợp là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khiêm tốn, bình quân mỗi khẩu chỉ canh tác trên diện tích gần 1 sào, do đó muốn phát triển kinh tế người dân địa phương phải luôn tìm tòi, học hỏi và tìm việc làm mới. 

Ngoài các nghề chính như chăn nuôi nông hộ, trồng lúa, hoa màu, nhiều gia đình ở địa phương còn đi làm ăn buôn bán khắp nơi. Trong hành trình mưu sinh ấy, nhiều nghề mới được các gia đình trong xã học hỏi, để mang về áp dụng tại địa phương, cụ thể như mô hình nuôi ba ba gai và rùa câm đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. 

Anh Thanh bắt đầu khởi nghiệp khi chỉ có 5 con giống ban đầu với tổng trọng lượng chưa đầy 1,5 kg, sau 2 năm chăm sóc, từ những con nhỏ, đàn ba ba của anh dần lớn lên khoảng 2 kg mỗi con và bắt đầu cho sinh sản. Nhờ sự kiên trì, chịu khó trong chăn nuôi, số lượng con ba ba và rùa câm ngày một tăng lên với hơn 30 đôi ba ba bố mẹ có trọng lượng từ 3,5 đến 7 kg mỗi con, 23 đôi rùa giống bố mẹ, mỗi năm anh thu nhập khoảng 100 triệu, báo TTXVN đưa tin.

Ba Ba rừng loại gần 1 kg của gia đình ông Nguyễn Đăng Thanh ở Tăng Thành. Ảnh: Văn Trường

Không chỉ ở xã Thiệu Hợp, tại Hà Tĩnh, ông Thái Hữu Hiền (xóm 7 xã Tăng Thành) bắt tay đào ao, xây chuồng trại, mua hơn chục cặp ba ba về nuôi. Vụ đầu tiên gần như trắng tay do thiếu kiến thức nên ba ba bị bệnh chết gần hết. Lúc đó, nhiều người khuyên ông nên dừng lại, nhưng ông nghĩ, mới thất bại lần đầu mà đã nản thì không thể làm giàu được... Vậy là ông về các trang trại ở Hà Tĩnh học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm tài liệu về ba ba để nghiên cứu.

"Không nản chí, tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng, người thân để mua ba ba giống về thả nuôi. Lứa ba ba sau tôi thu về hơn 50 triệu đồng. Dần dà tôi mở rộng quy mô, nuôi ba ba thương phẩm giống Thái Lan với quy mô nuôi từ 250 - 300 con.

Nhờ đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật nên ba ba không bị dịch bệnh, phát triển tốt, một năm nuôi là cho thu hoạch, mỗi con đạt trọng lượng bình quân 3 kg/con; hiện giá bán trung bình 250.000 đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng/năm" - ông Hiền chia sẻ.

Cũng tại xóm 7, chị Nguyễn Thị Hợi trước đây nuôi ba ba thương phẩm ở trong vườn nhà, diện tích chật chội. Từ năm 2015, chị đã đầu tư trên 400 triệu đồng đào 2 ao nuôi ba ba ở cánh đồng Cồn Lòi. Nắm bắt được thị trường là ba ba miền (giống ba ba rừng) được khách hàng ưa chuộng nên chị Hợi đã đầu tư kinh phí để nuôi.

Giống ba ba miền rất đắt đỏ, phải đặt hàng ở tận Lào Cai, mỗi con ba ba giống nặng 1 kg trị giá khoảng 1 triệu đồng. Trong năm 2015 chị nuôi trên 200 con ba ba miền, sau 1 năm nuôi thu hoạch đạt 3 kg/con; bán với giá 700.000 đồng/con chị có doanh thu gần 400 triệu đồng/2 ao nuôi. Từ nghề nuôi ba ba, gia đình chị Hợi đã có tiền tu sửa lại nhà cửa, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt, nuôi con ăn học, báo Nghệ An đưa tin.

 

Đến nay, toàn xã Tăng Thành có gần 70 hộ nuôi ba ba, hàng năm doanh thu đạt 5 - 6 tỷ đồng. Hiện xã đang xây dựng website quảng bá thương hiệu ba ba để thuận lợi cho mua bán, đặt hàng ba ba. Xã cũng đang lên kế hoạch thành lập Hiệp hội những người nuôi ba ba để phát triển nghề theo hướng bền vững.

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo TTXVN, Nghệ An)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo