Pháp luật

Phú Thọ: Một bản án có dấu hiệu trái luật?

(DNVN) - Ngay sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ đã ra kháng nghị về cả nội dung lẫn hình thức của vụ án. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì Quyết định kháng nghị này lại bị rút lại theo một cách rất “bất thường”?

Tòa án huyện Yên Lập có xử “công minh”?

Một bản án đang gây xôn xao dư luận tại xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trong suốt thời gian qua. Không ít người sau khi biết được kết quả phiên xét xử đã cảm thấy ngỡ ngàng với phát quyết của Tòa án. Bởi lẽ nếu cứ theo bản án sơ thẩm mà Tòa án huyện này đã tuyên thì mẹ con bà Lê Thị Thoa sẽ mất trắng nhà đất hơn 750m2 cho một người khác chỉ vì tờ giấy viết tay.

Theo đơn trình bày của bà Thoa thì năm 2006 bà có làm đơn xin chuyển nhượng hơn 750m2 đất cho ông Trần Văn Vinh (người cùng địa phương) với giá 350 triệu đồng. Tuy nhiên, do ông Vinh không trả cho bà số tiền như đã thỏa thuận nên bà đòi lại đất.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ký Quyết định kháng nghị vụ ấn vì vi phạm về tố tụng khi xác định không đúng tư cách nguyên đơn; xét xử vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hồ sơ của vụ án cũng thể hiện, giữa ông Vinh và bà Thoa chỉ có một văn bản viết tay với nội dung đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, trong văn bản này không hề thể hiện được phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán tiền. Bản thân ông Vinh mặc dù một mực khai là đã trả đủ số tiền cho bà Thoa nhưng lại không có chứng cứ nào chứng minh về việc mình đã trả tiền.

Trong khi đó, tại bản kết luận của Ban tư pháp xã Đồng Lạc đã khẳng định: “Việc ông Vinh khai báo đã thanh toán cho bà Thoa số tiền 350 triệu đồng là sai sự thật và không có cơ sở. Bản thân lời khai của ông Vinh cũng mâu thuẫn với lời khai của chính vợ ông Vinh (bà Bùi) liên quan trực tiếp đến việc giao tiền.”

Sự việc tường chừng như đã rất rõ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà TAND huyện Yên Lập lại công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Vinh, bà Thoa lập ngày 24/10/2006 bằng bản án số 13/2015/DSST gày 26/10/2015.

Ẩn sau việc thu hồi Quyết định kháng nghị là gì?

Ngay sau khi bản án này được tuyên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định kháng nghị bản án mà TAND huyện Yên Lập đã tuyên ngày 26/10/2015 vì cho rằng bản này đã vi phạm về tố tụng khi xác định không đúng tư cách nguyên đơn; xét xử vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, Quyết định kháng nghị nhấn mạnh việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng viết tay giữa ông Vinh và bà Thoa là không có căn cứ.

 

Thế nhưng, cũng thật là hy hữu bởi chỉ sau đó chưa đầy một tuần thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ lại bất ngờ ra Quyết định rút kháng nghị phúc thẩm. Với lý do vỏn vẹn là Tòa án cấp sơ thẩm đã xử đúng thực tế, đúng luật?

Quyết định kháng nghị được rút lại sau 1 tuần khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn?

Việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ liệt kê hàng loạt các sai phạm trong bản án của tòa án cấp sơ thẩm nhưng lại đột nhiên rút Quyết định kháng nghị đã khiến không ít người đặt dấu hỏi về tính khách quan của việc làm này?

Trao đổi với PV liên quan đến vụ việc bà Lê Thị Thoa cho hay: "Tôi đã thực sự suy sụp khi TAND huyện Yên Lập tuyên buộc tôi phải giao đất cho ông Vinh. Rõ ràng là ông ấy đã cố tính lật lọng, không chịu trả tiền nên tôi mới nhất quyết không chuyển nhượng đất cho. Không hiểu cấp sơ thẩm đã căn cứ vào quy định pháp luật nào để từ một tờ giấy đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó mà công nhận mảnh đất của mẹ con tôi cho ông Vinh."

Ra Quyết định kháng nghị rồi tiến hành thu hồi chỉ trong vòng 1 tuần cùng với lời lý giải đơn giản “Tòa án cấp sơ thẩm đã xử đúng thực tế, đúng luật”. Dư luận bức xúc đặt nghi vấn liệu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ có đủ năng lực, trình độ trong việc xem thẩm tra các vụ án? Có hay không những “góc khuất” đằng sau vụ án đầy ngang trái này?

Nhận định dưới góc độ pháp lý về tính hợp pháp của hợp đồng chuyện nhượng quyền sử dụng đất viết tay, luật gia, thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) chia sẻ:

 

Theo quy định tại điểm B khoản 1 Điều 119 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2006 ngày 27/1/2006 thì: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chỉ viết giấy tay, không lập thành hợp đồng và không có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất thì giao dịch đó bị coi là vô hiệu (vi phạm quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự).

Ở đây cần phải lưu ý hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất,văn bản đó phải thể hiện dưới dạng một hợp đồng và đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ bản của một hợp đồng viết tay. Vấn đề thứ hai là hợp đồng đó phải được công chứng, hoặc chứng thực về mặt giao dịch, ý chí của cơ quan có thẩm quyền.

Một số trường hợp văn bản dưới dạng đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chứng thực về mặt hộ khẩu, nơi cư trú thì không thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.  

Nhóm PVĐT
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo