Tin tức - Sự kiện

Quản lý thị trường là vấn đề hết sức cấp bách

Ngày 4/3/2013, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến tháng 2 nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 và cả năm 2013. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: công tác quản lý thị trường là vấn đề hết sức cấp bách của ngành Công Thương. Trong đó là thị trường xăng dầu, thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, mũ bảo hiểm...
Theo báo cáo tại nghị, tính chung 2 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,9%.
 
Cùng với sự khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, tiêu thụ 2 tháng có dấu hiệu khả quan hơn. Điều này được phản ánh qua chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2013 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2012. Rất nhiều ngành hàng có chỉ số tiêu thụ tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất đường tăng 55,0%; xi măng tăng 53,0%; sản phẩm từ plastic tăng 40,6%; cấu kiện kim loại tăng 40,1%; mô tô, xe máy tăng 38,1%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 30,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,5%; thuốc lá tăng 27,9%; sợi tăng 27,2%; bia tăng 22,4%; xe có động cơ tăng 21,8%; giày, dép tăng 19,5%; may trang phục tăng 18,0%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 15,4%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng 14,2%...
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ngành vẫn có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 8,1%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 6,0%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 4,8%; sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%...
 
Đáng lưu ý, một số ngành tồn kho ở mức cao như sản xuất trang phục tăng 27,0%; sản xuất giầy, dép tăng 31,9%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 33,7%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng58,1%; mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 30,7%; sắt, thép, gang tăng 24,6%; xe có động cơ tăng gấp 2,4 lần; mô tô, xe máy tăng 28,6%; dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 64,1%...
 
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: công tác quản lý thị trường là vấn đề hết sức cấp bách của ngành Công Thương. Cán bộ công nhân viên ngành Công Thương cần xác định, năm 2012 quản lý thị trường là một trong những khâu quan trọng nhất. Trong đó là thị trường xăng dầu, thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, Ngành Công Thương sẽ tiếp tục đưa ra chương trình thực hiện nghị quyết 01 và biện pháp thực hiện nghị quyết 02, trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm và sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới. Tích cực khẩn trương thực hiện các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành nghị định ban hành điều lệ hoạt động của các tập đoàn đặc biệt là các tập đoàn lớn, quan trọng như dầu khí, hóa chất, dệt may…
 
Về công tác phát triển thị trường nội địa, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá: qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu. Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục phải triển khai tiếp nữa, rộng khắp và thực chất hơn, qua đó góp phần phát triển thị trường, phát triển hệ thống phân phối do các doanh nghiệp trong nước là hạt nhân. Bộ trưởng đề nghị các Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với nhau để triển khai đồng bộ.../.
 
 
 
 
C. D (Theo ĐCSVN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo