Xã hội

Quảng Nam: Trưởng trạm thú y bán heo bệnh khiến 2 chủ lò mổ tử vong

Tại huyện Đại Lộc - Quảng Nam đã có 2 người chết, 3 người mắc bệnh liên quan đến việc vận chuyển và giết mổ heo bệnh.

Anh Dương Văn Trọng (23 tuổi, xã Đại Thắng) cho biết: Ngày 4-2, mẹ anh là bà Phạm Thị Nguyệt mua 24 con heo của ông Võ Thiên Sinh (trưởng trạm Thú y xã Đại Tân) đem về lò để mổ thịt bán. Tuy nhiên, ngày 7-2, sau khi mổ 8 con heo bà Nguyệt có triệu chứng lên cơn sốt, tiêu chảy, xuất huyết đường ruột. Gia đình đưa bà đến bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam để chữa trị. Tuy nhiên, đến sáng 8-2 thì bà Nguyệt qua đời.

Sau khi bà Nguyệt chết, ông Sinh mang số heo còn lại đến nhờ ông Nguyễn Nguyên (41 tuổi, xã Đại Tân) mổ giúp. Ngày 10-2, ông Nguyên vừa mổ được 2 con thì đột nhiên bị sốt cao, xuất huyết dưới da, ngực, tay và chân nên được người nhà đưa vào bệnh viện huyện Đại Lộc cấp cứu, sau đó chuyển xuống bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng nhưng ông Nguyên đã tử vong ngay trong ngày mùng 1 Tết.

Chiều 11-2, sau khi tiếp nhân thông tin, trạm thú y huyện Đại Lộc đã cử người xuống gia đình nạn nhân để chuyển số heo bệnh đi tiêu hủy. Tuy nhiên, hàng trăm người dân đã tụ tập tại gò đất thôn Xuân Tây để ngăn cản chính quyền địa phương tiêu hủy những con heo bị bệnh ngay tại thôn và đòi chính quyền phải kiểm tra heo bị bệnh dịch gì dẫn đến xô xát với lực lượng công an.
 
Trước sự phản ứng dữ dội của người dân, cơ quan chức năng huyện Đại Lộc đã phải đưa số heo bị bệnh qua bãi rác xã Đại Hiệp để tiêu hủy. Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng IV (đóng tại Đà Nẵng) để xét nghiệm.
 
Theo một lãnh đạo xã Đại Tân, ngoài 2 nạn nhân đã tử vong hiện tại địa phương có 3 người liên quan tới việc giết mổ, vận chuyển số heo bệnh của ông Sinh đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
 
Những ngày gần đây, nhiều đàn heo của người dân ở xã Đại Tân bỗng nhiên bỏ ăn, nằm li bì, co giật liên hồi. Chị Nguyễn Thị Hà (thôn Xuân Tây, xã Đại Tân) cho biết, đàn heo 4 con nhà chị đang đến độ xuất chuồng nhưng mấy ngày nay mình đỏ, bỏ ăn. Theo kinh nghiệm của chị thì đó là triệu chứng của bệnh heo tai xanh.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, xác nhận dịch heo tai xanh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên địa bàn huyện.
 
Tính đến ngày 15-2 đã có 530 con heo ở 5 xã Đại Tân, Đại Minh, Đại Cường, Đại Thắng và Đại Phong bị nhiễm bệnh.
 
“Huyện Đại Lộc đã tiến hành tiêu hủy 22 con ở 2 xã Đại Tân và Đại Thắng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã cử lực lượng thú y đến các xã có heo bị bệnh dùng các biện pháp như rải vôi, phun hóa chất khử trùng. Đồng thời tuyên truyền người dân không nên bán tháo heo bệnh mà phải báo cáo cho chính quyền để có biện pháp xử lí”- ông Tính nói.

Ông Tính cho biết thêm, hiện tại vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng IV để rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của 2 chủ lò mổ.

 

Liên quan đến việc ông Võ Thiên Sinh, trưởng trạm thú y bán heo bị bệnh khiến 2 người bị chết, ông Tính cho biết UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo đình chỉ công việc hiện tại của ông Sinh và đã thay người khác tạm thời đảm nhiệm công việc trưởng trạm thú y xã để nhanh chóng triển khai dập dịch trên địa bàn.

 

 

Trần Anh (Theo NLĐ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo