Quốc tế

Ai Cập phát hiện xác ướp mang thai đầu tiên trên thế giới

Các nhà nghiên cứu Ai Cập đã phát hiện ra xác ướp mang thai đầu tiên trên thế giới, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất ở quốc gia này.

Kỳ lạ xác ướp 4.000 năm tuổi khiến các nhà khảo cổ 'toát mồ hôi' / Phát hiện xác ướp loài gấu tuyệt chủng 15.000 năm trước

Các nhà nghiên cứu quét xác ướp và phát hiện, đây là thi thể của một phụ nữ mang thai. (Ảnh: Dự án Xác ướp Warsaw)

Các nhà nghiên cứu quét xác ướp và phát hiện, đây là thi thể của một phụ nữ mang thai. (Ảnh: Dự án Xác ướp Warsaw)

Theo một nghiên cứu mới, phát hiện này là rất bất ngờ vì những dòng chữ trên quan tài của xác ướp cho thấy, bên trong quan tài là thi thể của một nam linh mục.

Xác ướp được tặng cho Đại học Warsaw ở Ba Lan vào năm 1826. Thời gian gần đây, các nhà khảo cổ học tham gia Dự án Xác ướp Warsaw mới tiến hành phân tích chi tiết xác ướp này trong bộ sưu tập xác ướp động vật và người ở Warsaw.

Kết quả chụp X-quang và chụp CT của xác ướp cho thấy, đây là thi thể của một phụ nữ và không khớp với quan tài và phần bọc bằng bìa carton được làm cho nam giới. Các nhà nghiên cứu cho biết, xác ướp rõ ràng không phải là hài cốt của linh mục tên là Hor-Djehuty từ thời kỳ thành phố Thebes cổ đại, người có tên được khắc trên quan tài.

"Đây là điều hoàn toàn bất ngờ trong quá trình chúng tôi nghiên cứu những căn bệnh cổ xưa hoặc nguyên nhân gây ra cái chết", tác giả chính của nghiên cứu Wojciech Ejsmond, đồng Giám đốc của Dự án Xác ướp Warsaw cho biết. "Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng đây là xác ướp của một linh mục".

 

Trên thực tế, xác ướp là hài cốt của một phụ nữ chết khi mới khoảng 20 đến 30 tuổi và mang thai khoảng 6,5 đến 7,5 tháng dựa trên kích thước đầu của thai nhi.

Ai Cập phát hiện xác ướp mang thai đầu tiên trên thế giới - Ảnh 1.

Quan tài, phần bọc bằng bìa carton và xác ướp của thai phụ. (Ảnh: Dự án Xác ướp Warsaw)

"Đây là trường hợp xác ướp đầu tiên được bảo tồn như vậy. Trước đây, đã từng có bộ xương của phụ nữ mang thai được tìm thấy, nhưng chưa có xác ướp nào có mô mềm được bảo quản", ông Ejsmond cho biết.

Kết quả quét cho thấy, có 4 gói chứa các nội tạng được ướp (có thể là phổi, gan, dạ dày cùng ruột và tim) ở bên trong xác ướp nữ giới này. Những thứ này được xử lý, ướp và sau đó được đặt trở lại bên trong khoang bụng của xác ướp, đây là một phong tục tập quán ở Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, thai nhi đã không được lấy ra khỏi tử cung một cách tương tự. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được giới tính của thai nhi hoặc lý do tại sao bào thai này bị bỏ lại trong bụng mẹ.

Theo nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, bào thai có thể được coi "vẫn là một phần không thể thiếu trong cơ thể của người mẹ khi chưa được sinh ra". Một đứa trẻ chưa có tên có thể không được coi là một cá thể vì tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại cho rằng, việc đặt tên là một phần quan trọng của con người.

 

Hiện nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phân tích các mẫu máu được bảo quản trong mô mềm của xác ướp để tìm ra nguyên nhân cái chết của thai phụ này. Phát hiện trên được công bố vào ngày 28/4 trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm