Quốc tế

Động cơ - trở ngại lớn đối với công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Những năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa, nhằm tăng cường vị thế địa chính trị, cũng như để xứng tầm lực lượng quân sự lớn thứ nhì tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thêm tổ hợp Pantsir-S1 của LNA bị Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt? / Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hoàn thành thử nghiệm F-16 trên S-400

Tuy nhiên, nhiều dự án vũ khí hiện đại của nước này đang gặp phải một rào cản nan giải, đó là chưa tự chủ được về động cơ.

Vấn đề “nhức nhối” nhiều năm qua

Cho đến nay, công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều bước tiến đáng nể. Nước này hiện có hàng chục doanh nghiệp, sản xuất hàng trăm loại khí tài, trang bị công nghệ cao theo giấy phép lẫn tự thiết kế. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2015-2019, Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhập khẩu vũ khí đến 48% và tăng xuất khẩu đến 86%, so với 5 năm trước đó.

Theo những thông tin được công bố, quốc gia cầu nối Á-Âu này dự kiến sẽ chế tạo tàu khu trục phòng không, xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa hành trình tầm xa, thậm chí cả tiêm kích thế hệ 5 dựa theo những thiết kế nội địa. Tuy nhiên, mặc dù đã tự chủ được hầu như toàn bộ các thành phần, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phụ thuộc vào nước ngoài để có động cơ, “trái tim” cho những vũ khí trên.

Mới đây, tờ Defense News dẫn lời một quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vấn đề động cơ sẽ làm chậm trễ nhiều dự án vũ khí của nước này. Trong trường hợp xấu nhất, sự tồn tại của một số dự án có thể bị đe dọa. Một cựu quan chức cấp cao khác nhấn mạnh, vấn đề này đã bộc lộ từ cách đây 15 năm và hiện nay vẫn đang là chướng ngại khiến các dự án công nghệ cao “giậm chân tại chỗ”.

Ví dụ điển hình của vấn đề này có thể thấy được trong dự án xe tăng nội địa “Altay”. Mục tiêu ban đầu của dự án là chuyển giao lô xe tăng đầu tiên cho quân đội vào năm 2020. Tuy nhiên, xe tăng hiện sử dụng động cơ và hệ thống truyền động từ nhà sản xuất MTU Friedrichshafen (Đức). Vì nhiều lý do chính trị, việc mua sắm động cơ thành phẩm lẫn công nghệ sản xuất từ Đức gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, dự án động cơ nội địa cho xe tăng lại không đạt bước tiến nào đáng kể. Giới chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng, thậm chí tới năm 2022, chưa chắc xe tăng “Altay” đã có thể đi vào trang bị.

Xe tăng chiến đấu chủ lực “Altay” do Thổ Nhĩ Kỳ tự nghiên cứu phát triển. Ảnh: Daily Sabbah

Một dự án khác cũng gặp trở ngại về động cơ là chương trình tiêm kích TF-X. So với động cơ xe thiết giáp, động cơ phản lực phức tạp hơn rất nhiều. Năm 2017, tập đoàn Kale Group của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết hợp tác với công ty Rolls-Royce của Anh để sản xuất động cơ cho TF-X. Tuy nhiên, phía Anh đã không chấp nhận đề nghị chuyển giao công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hợp đồng trị giá 124 triệu USD này phải tạm hoãn. Dự kiến sớm nhất tới năm 2025, nguyên mẫu TF-X đầu tiên mới có thể bay thử, mà nhiều khả năng sẽ phải bay với động cơ nhập khẩu.

Lịch sử thôi thúc sự tự lực

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia có vị thế địa chính trị quan trọng trên thế giới từ xưa tới nay. Về địa lý, nước này là cầu nối giữa châu Á và châu Âu, sở hữu cửa ngõ duy nhất thông biển Đen với Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích lẫn ảnh hưởng lớn đến “chảo lửa” Trung Đông lẫn vùng Nam Âu đa sắc tộc.

Với vị trí địa chính trị của mình, trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải duy trì một quân đội mạnh. Thế nhưng, nước này bị suy yếu rất nhiều sau khi đế chế Ottoman sụp đổ vào những năm 1920. Tình trạng này kéo dài tới năm 1952, sau khi Ankara quyết định gia nhập NATO, từ bỏ xu thế trung lập vốn duy trì từ chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hiện đại hóa quân đội triệt để thông qua các khoản viện trợ từ phương Tây. Tuy nhiên, sự du nhập ồ ạt của vũ khí, trang bị nước ngoài khiến công nghiệp quốc phòng nội địa không được đầu tư phát triển.

Năm 1974, do sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc khủng hoảng ở đảo Cyprus, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận mua bán vũ khí lên nước này. Sự kiện này khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra rằng, cần phải tự chủ về quốc phòng thay vì phụ thuộc vào nước ngoài, kể cả đồng minh. Ngay trong năm đó, các quỹ hỗ trợ phát triển hải, lục, không quân được thành lập. Năm 1987, các quỹ này hợp nhất thành “Quỹ lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ”. Các công ty quốc phòng tư nhân từ đó ra đời thông qua nguồn tiền đổ vào tổ chức này.

 

Cho tới nay, hướng phát triển này đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về vũ khí, trang bị, thậm chí tăng cường xuất khẩu. Thế nhưng, do phụ thuộc quá lâu vào nước ngoài, đồng thời do phát triển “nóng”, nhiều công nghệ lõi của vũ khí vẫn chưa được Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ. Trong đó, các loại động cơ hiện đang là khoảng trống đặc biệt lớn. Thiệt hại lớn nhất nằm ở việc sản xuất vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị nước ngoài làm gián đoạn với lý do chính trị. Đồng thời, giá thành vũ khí sẽ cao hơn và kém cạnh tranh hơn trên thị trường do phải nhập động cơ từ Mỹ và châu Âu với giá cao.

Một số thành tựu đáng chú ý

Nhận ra được thiếu sót, nhiều công ty lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút tiến hành các dự án sản xuất động cơ nội địa và đã có những thành công nhất định. Ngày 19-6 vừa qua, Công ty động cơ TUSAŞ (TEI), một đơn vị do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ quản lý tuyên bố đã thử nghiệm thành công động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ TJ300. Theo đại diện của TEI, trong tương lai động cơ TJ300 sẽ có lực đẩy mạnh hơn, thay thế được động cơ nhập ngoại hiện dùng trong các loại tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất. Một doanh nghiệp khác là tập đoàn Kale cũng đang trong quá trình phát triển động cơ turbine phản lực KTJ-3200, dự kiến sẽ sử dụng trong tên lửa hành trình không đối đất SOM nội địa. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang phải mua động cơ tên lửa từ Công ty Microturbo (Pháp).

Động cơ turbine phản lực TJ300 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: anews.com.tr)

Việc tập trung phát triển động cơ turbine phản lực cho tên lửa là một hướng đi phù hợp với trình độ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Động cơ tên lửa có kích thước nhỏ, dễ chế tạo. Đặc biệt, do chỉ dùng một lần, động cơ tên lửa không có yêu cầu cao về độ bền như động cơ dùng cho máy bay. Tập đoàn Kale hy vọng, kinh nghiệm thu được từ phát triển động cơ tên lửa sẽ có ích cho những dự án động cơ máy bay sau này, tiến tới phát triển động cơ nội địa cho tiêm kích TF-X.

Bên cạnh động cơ tên lửa, tháng 2-2019, TEI cũng tuyên bố đã thử nghiệm thành công bước đầu mẫu động cơ turbine trục TS1400, sử dụng cho trực thăng. Theo kế hoạch, TEI sẽ hoàn tất thử nghiệm động cơ TS1400 vào cuối năm 2020, sau đó sẽ chuyển giao cho Tập đoàn Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) để triển khai trên nguyên mẫu trực thăng đa dụng T625 tự thiết kế và trực thăng vũ trang T129. Nếu thành công, động cơ TS1400 sẽ thay thế động cơ CTS-800A do liên doanh giữa Honeywell (Mỹ) và Rolls-Royce (Anh) sản xuất.

 

Nguyên mẫu trực thăng đa dụng T625 bay thử. Ảnh: TAI.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, quá trình tự chủ về động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn do những nước đối tác không tiết lộ nhiều bí mật công nghệ. Ngay cả khi thành công, chi phí sản xuất hàng loạt động cơ tự thiết kế nhiều khả năng sẽ quá cao so với mua giấy phép của nước ngoài.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm