Quốc tế

Kinh tế Mỹ giảm quý thứ 2 liên tiếp

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, ước tính GDP quý 2 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng USD mạnh lên và những hiệu ứng tới kinh tế toàn cầu / IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Tâm lý kinh doanh và người tiêu dùng đã trùng xuống trong những tháng gần đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 28/7 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã thu hẹp trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2022, đánh dấu quý suy giảm kinh tế thứ hai liên tiếp.

Thông tin mới này có thể khiến thị trường tài chính lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái.

Trong bản ước tính ban đầu, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP quý 2 đã giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp gần 1% nếu tốc độ tăng trưởng của quý thứ hai kéo dài cả năm.

Trước đó trong quý 1/2022, kinh tế Mỹ đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán GDP sẽ giảm trong quý thứ hai liên tiếp do nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với áp lực nhiều hơn từ lạm phát cao, lãi suất tăng, tăng trưởng việc làm chậm lại, doanh số bán nhà giảm và các khó khăn khác.

 

Hai quý liên tiếp của tăng trưởng kinh tế âm từ lâu đã được sử dụng như một quy tắc chung để xác định thời điểm nền kinh tế suy thoái và là "ngưỡng" chính thức cho suy thoái ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia - bên có vai trò xác định chính thức của các cuộc suy thoái ở Mỹ định nghĩa suy thoái là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế lan rộng trên toàn nền kinh tế, kéo dài hơn một vài tháng, thường có thể nhận thấy trong lĩnh vực chế tạo, thị trường việc làm, thu nhập thực tế, và các chỉ số khác".

Giới quan sát chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm trung bình của Mỹ đạt 456.700 việc làm mỗi tháng trong nửa đầu năm, từ đó giúp tạo ra mức tăng lương mạnh mẽ. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái vẫn tăng lên khi doanh số bán nhà và xây dựng đã yếu đi, trong khi tâm lý kinh doanh và người tiêu dùng đã trùng xuống trong những tháng gần đây.

Dù vậy, các nhà kinh tế nói rằng có thể còn quá sớm để biết liệu Mỹ có đang suy thoái hay không, nếu xét theo sức mạnh của thị trường việc làm.

Trong khi đó, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể khuyến khích FED lùi lại việc mạnh tay tăng lãi suất, mặc dù phần lớn sẽ phụ thuộc vào đường đi của lạm phát vốn vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% do Fed đề ra.

 

FED hôm 27/7 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25 - 2,5%. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận hoạt động kinh tế đang suy yếu là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm