Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc tiệm cận mức tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ

Suy thoái trong đầu tư và bán lẻ đang làm giảm nhiệt phát triển của một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Khi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ gia tăng, suy thoái có thể trở nên tồi tệ hơn nữa.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ không dễ bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc? / Chuyên gia: Trung Quốc thua trước khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ

Kinh tế Trung Quốc tiệm cận mức tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua. Trong ảnh: Tại một khu chợ ở Bắc Kinh vào tháng Mười. Người tiêu dùng đang ngày càng chi tiêu ít hơn.

Tăng trưởng phập phù, nợ tăng cao và cuộc chiến thương mại leo thang với Hoa Kỳ đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Sáu báo cáo rằng nền kinh tế đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3/2018, đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2009.

Người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ đang chi tiêu ít hơn, giảm mua hàng, nấu ăn ở nhà thay vì đi ra ngoài, uống bia thay cho cocktail. Các hoạt động kinh doanh đang trở nên ảm đạm. Đầu tư vào các dự án hạ tầng cũng đã giảm mạnh.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ngập tràn sắc đỏ. Đồng nội tệ bị suy yếu và có giá trị thấp nhất trong 10 năm qua so với đồng đô la Mỹ. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn rằng họ không thể tiếp cận các khoản tín dụng do thủ tục rắc rối.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc cho rằng nền kinh tế 12 nghìn tỷ USD của đất nước sẽ không bị tác động tiêu cực nhiều từ cuộc chiến thương mại đang leo thang, và rằng chính phủ đang triển khai các giải pháp hiệu quả để giữ vững tốc độ tăng trưởng.

 

Nhạc trưởng” kinh tế của Trung Quốc, phó Thủ tướng Lưu Hạc, đã nói với hãng tin Tân Hoa Xã: “Không có lý do gì để không tin vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”.

Sau những phát ngôn của ông Lưu Hạc và các quan chức khác, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng trở lại sau đà giảm vào ngày thứ Sáu.

Tuyến đường sắt nối liền Tứ Xuyên và Tây Tạng. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương thúc đẩy tăng trưởng thông qua các dự án phát triển và hạ tầng lớn.

Việc tăng tốc động cơ tăng trưởng không hề đơn giản

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương thúc đẩy tăng trưởng thông qua các dự án phát triển và hạ tầng lớn. Cách tiếp cận đó thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại gây áp lực nợ cho những lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế.

 

Tuy không có con số chính xác, nhưng các chuyên gia đều cho rằng áp lực nợ là rất lớn. Trong báo cáo tuần này, S & P Global ước tính rằng chính phủ Trung Quốc đang phải gánh 6 nghìn tỷ đôla tiền nợ, tương đương ba phần năm tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng đây là “mức độ đáng báo động.”

Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt hoạt động cho vay, nhưng điều đó đã ảnh hưởng đến tăng trưởng. Chi phí cho các dự án đường cao tốc, xe lửa và các công trình công ích đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, Cục thống kê quốc gia cho biết mức chi tiêu này đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giờ đây, Bắc Kinh dường như đang suy nghĩ lại về những nỗ lực thắt lưng buộc bụng của họ. Các quan chức đang bắt đầu khuyến khích đầu tư mới. Họ đã bổ sung thêm tiền vào hệ thống tài chính và yêu cầu sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Tuần này, chính phủ đã ra thông báo rằng 1222 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 362 tỷ đôla sẽ được tài trợ bởi các công ty tư nhân.

Một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc khẳng định kinh tế vẫn tốt bất chấp xung đột thương mại. Tuy nhiên, cũng mất vài tháng mới có thể thấy rõ hậu quả.

Sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc là rất quan trọng

 

Sức tiêu thụ cao của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Trung Quốc đã trở thành trụ cột quan trọng cho sự tăng trưởng khi Trung Quốc tìm cách tránh khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và các dự án đầu tư lớn.

Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng, tăng 9,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, khi người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục mua xe hơi, đồ gia dụng, điện thoại thông minh và các hàng hóa khác.

Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng bức tranh tổng thể có thể thay đổi. Ví dụ, theo dữ liệu của Hiệp hội xe khách Trung Quốc thì doanh số bán xe đã chậm lại trong tháng 9. Trong khi đó, các chuyên gia bán lẻ nhận định ngành bán lẻ Trung Quốc đang chựng lại và có xu hướng đi xuống. Thị trường bất động sản cũng không có tín hiệu tươi sáng, do càng ngày càng ít người mua nhà mới.

Những chiếc xe mới được sản xuất tại nhà máy ở cảng Đại Liên. Vào tháng Chín, Hoa Kỳ đã áp mức thuế trị giá 200 tỷ đô la lên các sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Vào tháng Chín, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế trị giá 200 tỷ đôla lên các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Tổng thống Trump đã không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ sớm rút lại quyết định này.

 

Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoạt động giao thương đang diễn ra tốt. Một số nhà xuất khẩu cho rằng số liệu tăng là do các nhà nhập khẩu Mỹ đã đặt hàng dồn dập trước đó nhằm tránh mức thuế mới.

Peter Levesque, giám đốc điều hành của Modern Terminals tại Hong Kong cho biết: “Chúng tôi biết rằng khách hàng đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất và nhập khẩu nhất có thể trước thời hạn. Tình trạng này có thể xảy ra một lần nữa, khi các nhà nhập khẩu Mỹ phải đối mặt với ngày 1 tháng 1, là ngày mà mức thuế 25% được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.”

Trong khi cuộc chiến thương mại vẫn chưa gây ra được các tác động thật sự, các chuyên gia nói rằng sẽ nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc sẽ sớm cảm nhận được sự tổn thương, đặc biệt khi các quan chức còn phải “vật lộn” với các vấn đề kinh tế khác. Theo một báo cáo gần đây từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cuộc chiến thương mại có thể làm giảm 1,6% tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới.

Paul Gruenwald, kinh tế gia trưởng toàn cầu của S & P Global Ratings, cho biết: “Sẽ rất khó để biết được những tác động thực tế nếu chỉ dựa vào các con số được đưa ra, do chúng ta không đủ dữ liệu chắc chắn”. Nhưng, ông nói thêm “tình hình chung thì không có gì khả quan. Giờ vấn đề chỉ là tìm cách làm chậm lại sự suy thoái.”

Các quan chức tìm cách nâng cao lòng tin

 

Ngay trước khi công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế vào sáng thứ Sáu, các trang web của ngân hàng trung ương, bảo hiểm và các cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã đăng các cuộc phỏng vấn với các quan chức cấp cao truyền đi thông điệp rằng nền kinh tế vẫn ổn định và nằm trong tầm kiểm soát.

Phó Thủ tướng Kinh tế Lưu Hạc sau đó đã nói với Tân Hoa Xã rằng những mâu thuẫn thương mại với Hoa Kỳ đã làm tổn thương thị trường chứng khoán, “nhưng một cách thẳng thắn thì hiệu ứng tâm lý lớn hơn tác động thực sự.”

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang bàn thảo với nhau. Các cuộc thảo luận thương mại đã được tổ chức vào tháng Chín sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối lời mời của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để tổ chức các cuộc đàm phán mới.

Bên cạnh đó, lãnh dạo ngân hàng trung ương Trung Quốc cùng những người đứng đầu các cơ quan quản lý chứng khoán đã chính thức kêu gọi các nhà đầu tư bình tĩnh.

Ông Andrew Polk, nhà sáng lập của công ty tư vấn Trivium tại Bắc Kinh, cho biết các nỗ lực phối hợp của các quan chức kinh tế quan trọng nhất ở Trung Quốc đã thể hiện mức độ quan tâm cao từ phía chính phủ.

 

“Chính phủ đã cử ra những người có tiếng nói có trọng lượng nhất với thị trường chứng khoán để giải quyết các mối quan tâm của các nhà đầu tư”, ông Polk nói. “Tôi thấy chiến lược này rất đáng chú ý và phần nào đáng báo động.”

Theo thegioihoinhap.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm