Tin tức - Sự kiện

Rà soát, xác định hộ nghèo còn gặp nhiều vướng mắc

Việc rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo từ chuẩn đơn chiều sang chuẩn đa chiều được đánh giá là sát thực tế bởi kết hợp cả tiêu chí thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, quy trình này còn một số bất cập, vướng mắc khiến việc triển khai ở cơ sở gặp không ít khó khăn.

Quy trình rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thực hiện thống nhất theo Thông tư 17, ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Trước đây, việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên một tiêu chí là mức thu nhập thì nay còn dựa vào tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Thu nhập hộ gia đình được đánh giá theo thang điểm dựa vào các yếu tố: Nhân khẩu, việc làm, tư liệu sản xuất, tài sản và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Gậm (thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh có 32.180 hộ nghèo, chiếm 8,56%, giảm 1,90% so với năm 2016. Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều được thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ, công bằng, có sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và người dân, phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa phương.

Quy trình xác định nghèo đa chiều cũng đã tránh tình trạng bè cánh, nhóm hộ, dòng họ... Tuy vậy, một trong những khó khăn của công tác này là xác định mức thu nhập. Ông Nguyễn Viết Hòe, Trưởng thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh nêu ví dụ: “Theo thông tư hướng dẫn, 2 nhân khẩu trong độ tuổi lao động/hộ tính 50 điểm, trong khi 6 nhân khẩu lao động/hộ lại chỉ có 10 điểm. Như vậy, càng nhiều nhân khẩu trong độ tuổi lao động lại càng có nguy cơ vào diện hộ nghèo là chưa phù hợp”.

Tại Nghệ An, việc thực hiện rà soát theo chuẩn đa chiều ở cơ sở còn những lúng túng, nhất là trong chấm điểm theo phiếu khảo sát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo còn gặp vướng mắc. Cùng một loại tài sản nhưng giá trị chênh lệch lớn lại có điểm bằng nhau nên nhiều người dân thắc mắc, không thấy thỏa đáng.

Chị Nguyễn Thị Thắm, công chức lĩnh vực LĐ-TB&XH xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết: “Các tiêu thức thu thập thông tin tài sản chưa có trong biểu mẫu điều tra, như: Máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt... ở vùng đồng bằng hoặc các tài sản lớn về gỗ; đàn trâu, bò, trang trại vùng miền núi... nên không biết xếp những tài sản này vào mục nào.

Ngoài ra, đối với hộ có xe máy, xe có động cơ được tính 15 điểm. Vì thế, một hộ có chiếc xe máy cũ giá trị khoảng 3-5 triệu đồng cũng bằng số điểm của một gia đình có xe máy giá trị 40 đến 60 triệu đồng. Hộ có 1 con trâu/bò/ngựa được tính 10 điểm, hộ có từ 2 con trâu/bò/ngựa trở lên được tính 15 điểm, suy ra hộ có cả trang trại hàng chục con trâu/bò/ngựa cũng chỉ có 15 điểm nên cộng tổng điểm so sánh hộ này không khá giả bằng hộ khác nhưng lại ngang tổng điểm thu nhập nên người dân cho rằng không hợp lý”.

 

Thực trạng hiện nay, hộ nghèo chủ yếu là các hộ người già, neo đơn nên nằm trong diện “nghèo triền miên”. Bà Trần Thị Kim Thanh (thôn Vĩnh Long, xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Theo kết quả rà soát, tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng đã xin rút. Tôi đã trên 80 tuổi nên được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tôi cũng không có nhu cầu sử dụng các trang thiết bị như xe máy, ti-vi, tủ lạnh… Tuy không có lương hưu nhưng tôi được hưởng chế độ thân nhân người có công với cách mạng. Con cháu của tôi đều thành đạt, có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm lo tôi chu đáo nên tôi không thiếu thốn về vật chất”.

Bên cạnh một số người dân có ý thức phối hợp trong việc giảm tỷ lệ nghèo, thì ngược lại vẫn còn một bộ phận người dân còn có tâm lý muốn được nằm trong diện hộ nghèo để hưởng các chế độ đãi ngộ.

Đến ngày rà soát, một số gia đình đưa tài sản cất giấu, chuyển nhượng hoặc bán đi, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Một số người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa có ý thức phối hợp trong quá trình rà soát cũng như nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tình trạng tách hộ, nhất là con tách bố mẹ già ra ở riêng, hộ khẩu riêng nhằm để được hộ nghèo vẫn còn tồn tại. Công tác rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở nhiều nơi còn làm qua loa. Một số cán bộ còn có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình chỉ đạo điều tra trên địa bàn.

Rà soát, xác định các hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí đa chiều là chủ trương sát thực tế, là cơ sở để Nhà nước có sự hỗ trợ người dân trong xóa đói, giảm nghèo bền vững. Quy trình thực hiện rà soát cần có sự bổ sung, sửa đổi một số nội dung chặt chẽ hơn để việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được chính xác, hoàn thiện.

Nên đọc
Theo QĐND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo