Văn hóa

“Rợn tóc gáy” với đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận

Vùng đất Bình Thuận đặc biệt ở chỗ có những đồi cát mênh mông nắng trải và cả đặc sản vừa lạ vừa quen. Trong đó nổi tiếng nhất là con dông – “vua của sa mạc”. Đến Bình Thuận mà chưa ăn dông nướng sẽ là điều hối tiếc...

Nếu đã đi du lịch Bình Thuận dù chỉ một lần, có lẽ du khách nào cũng dễ dàng yêu mến, nhớ thương vùng đồi cát nóng bỏng ven biển và con người nơi đây. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn có sự giao hòa của những đồi cát vàng/cát trắng tựa như một “tiểu sa mạc” với biển xanh bao la và cái nắng cái gió khô hanh đặc trưng, Bình Thuận còn có một đặc sản níu lòng du khách. Đó là những món ngon từ dông cát!

Dông thuộc loài bò sát, nhìn giống thằn lằn nhưng to và dài mình hơn. Thực chất  là con kỳ nhông nhưng người dân vẫn gọi bằng cái tên thú vị - con dông - vì khi gặp nguy, nó chạy rất nhanh. Dông thường sống ở các sa mạc nắng nóng, đất cát ven biển. Đặc tính chịu khát giỏi, sinh trưởng mạnh trong môi trường khô nóng nên từ lâu, dông đã được mệnh danh là “vua của sa mạc”.

Dông xuất hiện quanh năm, nhưng sinh sôi và phát triển mạnh nhất vào mùa mưa (từ tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch). Một con dông trưởng thành có thể dài 20-30 cm và nặng 4-5 kg. Người ta có thể bắt dông bằng nhiều cách như giăng lưới, dò, thổi, đào, bẫy, chặn ngách…

Dông cát là đặc sản nổi tiếng ở Bình Thuận. Ảnh: Vietnamnet.

Khoảng 10 năm trước, dông chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Nhưng hiện nay, khi nhiều du khách đã biết thưởng thức thịt dông, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nê dông cát được nuôi trong các trang trại để cung ứng cho thị trường.

Nhờ hương vị thơm ngon đặc biệt, từ lâu dông đã là đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận. Thịt dông trắng như thịt gà nhưng thớ thịt săn, thơm và ngọt hơn, xương mềm như sụn, nhai sần sật. Có lẽ, thịt dông được yêu thích không chỉ bởi độ thơm ngon đặc biệt và có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn mà còn có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.

Trong Đông y, thịt dông cát được dùng để giảm đau, kích thích tiêu hóa, tiêu độc, làm khô vết thương, chữa thấp khớp, hen suyễn, ghẻ lở, suy dinh dưỡng, kém ăn ở trẻ. Theo những người làm thuốc, sở dĩ thịt nhông cát có thể chữa nhiều bệnh do nó sống trong tự nhiên, hay tìm ăn chồi non của nhiều loại cây thuốc.

Nếu có “thịt cầy 7 món” thì những người đứng bếp ở Bình Thuận cũng khéo léo chế biến ra “thịt dông 7 món” sành điệu. Từ dông cát có thể làm thành nhiều món ngon như dông nướng, dông xào sả ớt, gỏi dông, dông nấu dưa hồng, cháo dông, chả dông, trứng dông chiên bơ, cà tím cuốn dông, dông hấp… Mỗi món đều có hương vị đặc trưng, sự hấp dẫn riêng nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là món dông nướng.

Dông nướng muối ớt hấp dẫn thực khách ở miếng thịt ngọt thơm, dai giòn hòa cùng độ cay xe của ớt. Ảnh: Dulichmuine.

Để làm món dông nướng, phải chọn những con dông mập, chắc thịt, nặng từ 300gr trở lên thì thịt có độ dai vừa và ngọt. Nếu lựa con bé thì khi nướng thịt sẽ bở, kém ngon. Chọn được con nào, người thợ sẽ nhanh chóng bẻ gãy xương lưng để dông không chạy, không giãy được nữa.
Tiếp đó, mang dông đi cắt tiết, bỏ đầu, trần qua nước sôi để lột lớp da đất bên ngoài. Tùy theo khẩu vị, sở thích của thực khách, người làm bếp sẽ quyết định có hay không lột da dông trước khi nướng. Sau khi mổ bỏ nội tạng, rửa sạch dông và để ráo nước.

 

Tiếp đó, dông được ướp cùng các loại gia vị: muối, tiêu, hành sả băm nhuyễn, nước mắm ngon của địa phương. Tùy theo độ to nhỏ của con dông mà người ta sẽ tẩm ướp thịt trong 30-45 phút cho ngấm gia vị rồi mới đem nướng vỉ. Dông ngon nhất, hấp dẫn nhất khi được nướng trên bếp than hồng. Vì khi thịt chín dần, mùi thơm phức ngày càng đậm đà lan tỏa trong không gian sẽ “đánh thức” vị giác và cơn thèm ăn trong bạn lên nấc cao nhất.

Dông nướng là món ăn đặc trưng của "miền đồi cát" Bình Thuận. Ảnh: Internet.

Khi nướng thịt, chú ý lật 2 mặt cho đều để thịt không bị khô hay cháy khét. Người nướng khéo là biết căn thời gian để thịt chín vừa tới. Nướng tới khi thịt săn lại, vàng đều, tỏa hương thơm ngào ngạt nghĩa là dông đã chín. Thịt đã nướng xong, người thợ còn bày ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt rồi mới bưng lên để thực khách thưởng thức. Quá trình chờ đợi ấy khiến người ta cứ ứa nước miếng vì mong chờ, háo hức được nếm hương vị thơm ngon của con dông đặc sản.

Cắn một miếng thịt dông thơm lừng, thực khách sẽ cảm nhận được độ mềm mà chắc của thớ thịt, vị ngọt đượm lan tỏa dần trong khoang miệng. Đây cũng là món khoái khẩu của dân nhậu mỗi khi khề khà bên bạn bè trong chén rượu nồng.

Đơn giản nhất là thưởng thức dông cát nướng cùng bánh tráng nướng. Nếu không thì cuốn bánh tráng ăn kèm bún, rau sống và chấm nước mắm me. Miếng thịt dông nướng quyện với chất ngọt mát của nhiều loại rau sống cùng nước mắm me chua ngọt khiến vị ngon và hấp dẫn như ngày càng đong đầy đến miếng cuối cùng. Chắc chắn không có tiền bạc nào mua được khoảnh khắc “tươi ngon” ấy.

Nếu một lần được thưởng thức đặc sản dông nướng “hương đồng gió nội” của Bình Thuận sẽ khiến du khách mê mẩn. Được làm từ chính những nguyên liệu sẵn có của miền cát biển, món dông nướng dân dã đã góp phần làm nên tên tuổi cho Bình Thuận nắng, gió. Bởi thế, với những người con xa nhà, dông nướng không chỉ là đặc sản mà còn là một phần ký ức tươi đẹp về những buổi đi bắt dông cát, về bữa cơm gia đình ngọt lành nhờ bàn tay mẹ…

 

Nên đọc
Theo Timeout Vietnam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo