Pháp luật

Sẵn tiền bán tài nguyên, chi tiêu quá trớn

Trong số các tập đoàn kinh tế nhà nước được thanh tra, kiểm toán trong năm qua, tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) có số sai phạm về tài chính lớn nhất với tổng số tiền phải thu hồi lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận những sai phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn có số đóng góp chiếm 1/3 ngân sách quốc gia này.

Sử dụng các quỹ sai quy định

 

Là tập đoàn có doanh thu, lợi nhuận nhờ vào việc khai thác tài nguyên dầu khí, doanh thu toàn tập đoàn PVN thời kỳ 2006 – 2010 lên tới gần 690.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng hơn 124.000 tỉ đồng.

 

PVN được hưởng một cơ chế rất đặc biệt là được trích lập từ lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và khoản được Nhà nước đầu tư trở lại (bằng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà để lại sau khi đã nộp ngân sách nhà nước)… tỷ lệ trích bằng 35% lợi nhuận sau thuế.

 

Theo quy định, quỹ này được sử dụng để đầu tư cho các dự án trọng điểm về dầu khí, đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty mẹ, góp vốn với các nhà thầu dầu khí và các đơn vị thành viên, đầu tư ra bên ngoài. Từ năm 2006 – 2010, quỹ này của PVN lên tới 111.000 tỉ đồng.

 

Nhưng tập đoàn PVN đã có những khoản đầu tư từ quỹ trên không đúng quy định. Ví dụ, dự án đường từ thành phố Cà Mau đến khu công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau và đường vào ấp Bao Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ không thuộc công trình dầu khí, nhưng PVN đã rộng tay ứng vốn cho tỉnh Cà Mau từ quỹ trên để thực hiện với số tiền trên 352 tỉ đồng.

 

PVN cũng đã sử dụng trên 40 tỉ đồng từ quỹ đầu tư phát triển để xây dựng đường giao thông Hồ Thị Kỷ, 20,6 tỉ đồng xây dựng trường mẫu giáo Trà Mỹ (thành phố Vũng Tàu)… đều không đúng quy định trong nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế quản lý tài chính với công ty mẹ. (xem tiếp trang 15)

 

Trong việc sử dụng quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo (thời kỳ 2006 – 2010, số dư đầu kỳ quỹ này gần 2.646 tỉ đồng, số tiền phát sinh tăng quỹ trên 232 tỉ đồng), PVN cũng sử dụng sai 11,82 tỉ đồng khi thực hiện cấp vốn cho ban quản lý khí điện đạm Cà Mau.



Tại cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ tổ chức hôm qua (5/4), Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý 1, cơ quan này đã ban hành 11 kết luận thanh tra trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước. Chỉ riêng các cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế số tiền 30.720 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi ngân sách 3.712 tỉ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.000 tỉ đồng.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, tổng Thanh tra Chính phủ, về giải quyết khiếu nại, tố cáo, thống kê từ 20.2 – 25.3 cho thấy, số lượt đoàn đông người “tăng hẳn”: tăng 50% so với tháng 2, số đoàn đông người tăng 30%; số tỉnh có người khiếu kiện tăng 10%. Trong số các vụ việc khiếu kiện, 70% là khiếu kiện về đất đai.

 

Hay ở việc sử dụng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho tập đoàn (số tiền để lại giai đoạn 2006 – 2010 trên 34.851 tỉ đồng) nhưng qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy PVN sử dụng khoản tiền này vào mục đích đầu tư, tìm kiếm dầu khí như quy định. Nhưng PVN lại dùng tới trên 15.600 tỉ đồng để đầu tư cho ba hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí.

 

Cụ thể, PVN đã dùng khoản tiền lớn này cấp vốn điều lệ cho công ty Thăm dò khai thác dầu khí (11.847 tỉ đồng), góp vốn vào liên doanh Rusvietpetro (1.393,7 tỉ đồng), cung cấp hoạt động tài chính theo hợp đồng nhận nợ cho liên doanh Rusvietpetro (2.360,4 tỉ đồng).

 

Tuỳ tiện mua sắm, sử dụng tài sản

 

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tập đoàn PVN cũng có nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng và mua sắm, sử dụng tài sản. Ví dụ như lãnh đạo PVN đã chỉ định thầu sai quy định hai gói thầu trị giá 32,67 tỉ đồng. Các công ty thành viên cũng chỉ định thầu bốn gói thầu sai quy định với giá trị 743 triệu đồng và 110 triệu USD.

 

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ phát hiện PVN đã giao cho tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư dự án đóng mới tàu khảo sát địa chấn 2D. Nhưng tổng công ty này đã mua con tàu Pavlovsk của Na Uy về hoán cải với giá trị 30 triệu USD. Con tàu này đã đóng từ năm 1983, quá mười năm so với quy định đăng kiểm. PVN đã chậm báo cáo xin phép về tàu quá tuổi và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN và PVEP kiểm điểm nghiêm khắc về sai phạm này.

 

Trong việc quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp, số tiền sai phạm cũng rất lớn. Theo Thanh tra Chính phủ, hết năm 2010, PVN đã cổ phần hoá được 17 công ty, tổng số tiền thu được trên 23.810 tỉ đồng nhưng vẫn còn tới 1.928 tỉ đồng các đơn vị cổ phần hoá vẫn chưa nộp về tập đoàn. Trong đó, tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam còn nợ 1.911 tỉ đồng, công ty cổ phần Hoá dầu – dầu khí còn nợ trên 10 tỉ đồng…

 

Theo ông Ngô Văn Khánh, phó tổng Thanh tra Chính phủ, kết thúc cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu PVN thu hồi về quỹ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của tập đoàn này số tiền 1.922 tỉ đồng và yêu cầu các đơn vị chậm nộp phải nộp đủ cả các khoản lãi chậm nộp.

 

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ý kiến xử lý về việc PVN sử dụng 15.601 tỉ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí; việc PVN tự ứng vốn cho các tỉnh: Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang…số tiền trên 622 tỉ đồng và các khoản tiền đầu tư từ quỹ Đầu tư phát triển không đúng.

 

Cũng theo ông Khánh, ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với các kiến nghị trên của Thanh tra Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu PVN rà soát lại các khoản đầu tư ra ngoài ngành và đầu tư tại công ty liên kết, đánh giá lại hiệu quả đầu tư và số liệu các công ty bị thua lỗ, tập trung vào ngành nghề chính, thoái dần vốn đầu tư.

 

Thủ tướng cũng đã yêu cầu PVN tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm nêu trên, kết luận trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân có sai phạm. Được biết, trong thời kỳ 2006 – 2010, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải hiện nay, ông Đinh La Thăng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của PVN.

 

Trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Tiếp Thị về việc ông Thăng chịu trách nhiệm thế nào trong một số sai phạm của PVN mà Thanh tra Chính phủ đã làm rõ, ông Ngô Văn Khánh cho biết, việc xem xét, xử lý trách nhiệm tới đâu sẽ do PVN tổ chức, làm rõ theo từng sai phạm đã nêu và ông Thăng có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong những sai phạm đó.

 

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo