Xã hội

Sẽ xin lỗi công khai cụ ông Trần Văn Thêm chịu án oan

(DNVN) - Theo kế hoạch, sáng 11/8, liên ngành Tư pháp trung ương sẽ tổ chức buổi công bố ông Trần Văn Thêm chịu án oan 46 năm và công khai xin lỗi ông.

Chiều 9/8, Tòa án nhân dân Tối cao vừa chủ trì cuộc họp liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và thống nhất kết luận chính thức về vụ án hi hữu kéo dài suốt gần nửa thế kỷ của ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Theo đó, vụ án của cụ ông Trần Văn Thêm cách đây 46 nămoan sai.

Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết, trên cơ sở tài liệu có trên hồ sơ và xác định một số tài liệu có liên quan khác, các cơ quan tố tụng đã đi đến thống nhất: Đối với vụ án ông Trần Văn Thêm, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử, kết án ông về tội "Giết người", "Cướp tài sản" tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú cũ, vào năm 1970 là oan sai. Báo Người đưa tin thông tin.

Các cơ quan thi hành tố tụng đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật tố tụng để công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm, công khai xin lỗi và thực hiện việc bồi thường theo quy định của Luật bồi thường Nhà nước.

Ông Trần Văn Thêm, người mang thân phận tử tù gần nửa thế kỷ.  Ảnh:PLO .

Theo kế hoạch, sáng nay 11/8, liên ngành Tư pháp trung ương sẽ tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm và công khai xin lỗi ông. Như vậy, chỉ sau hai ngày xác định ông Thêm bị oan, liên ngành Tư pháp trung ương đã đi đến quyết định nhanh chóng, hợp lòng dân.

Ông Nguyễn Văn Hòa, người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn Thêm, cho hay quá trình tìm lại công bằng cho ông Thêm thật vô cùng gian nan. Có lần ông Thêm đã được vào gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để trình bày về nỗi oan của mình. Những dặn dò, an ủi của Chủ tịch nước lúc ấy khiến ông Thêm có thêm hy vọng. Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.

Ông Hòa kể ông liên tục gửi đơn tới các vị lãnh đạo và các cơ quan hữu quan. Thậm chí tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, ông đã tìm cách để gửi 72 hồ sơ, trong đó có 63 bộ hồ sơ được gửi đến tận tay các đoàn đại biểu quốc hội.

“Đâu chỉ có mình tôi đi tù oan mà con cháu và cả dòng họ của tôi đều bị mang tiếng có kẻ giết người. Khi đoàn công tác của TAND Tối cao về gặp để tìm hiểu vụ việc, thậm chí người nhà nạn nhân trong vụ án còn nghĩ tôi và con cháu đã đút tiền để chạy án” - ông Thêm kể trong nước mắt.

Ông Thêm nói vẫn còn một điều ray rứt khác rằng nếu ông được minh oan sớm hơn thì có lẽ vợ ông Nguyễn Khắc Văn đã được tỏ tường trước khi nhắm mắt. “Bà ấy (vợ ông Văn - PV) đến lúc chết vẫn nghĩ tôi là hung thủ. Các con của bà ấy hiện vẫn nghi ngờ tôi, hai gia đình không qua lại với nhau đã mấy chục năm rồi. Giờ đã 80 tuổi, tôi chỉ có ước muốn lớn nhất là được minh oan, dù chết cũng thanh thản, minh oan để được gột tiếng giết người, để hai gia đình có thể qua lại với nhau” - ông Thêm nói.

 

Ông Trần Văn Thảo (con trai ông Thêm) cho biết khi nghe thông tin có kết luận bị oan, ông Thêm vô cùng vui mừng và hạnh phúc, cả đêm ông không chợp mắt được. “Nửa đời cụ sống trong nỗi oan, giờ có thể thanh thản rồi. Cụ bảo sau này hai bên gia đình (gia đình cụ Thêm và gia đình ông Văn - PV) có thể đi lại với nhau rồi. Cụ không quan trọng việc bồi thường, điều cụ mong muốn nhất chỉ là được minh oan” - ông Thảo nói.

Như tin tức đã đưa, vào tháng 3/1970, ông Trần Văn Thêm và người em trai tên là Nguyễn Khắc Văn (trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) rủ nhau lên vùng Tam Dương, Vĩnh Phúc để bán thuốc lào và buôn quả trám. Đêm ngày 23/7/1970 hai anh em ghé vào ngủ tại lều cắt tóc thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương.

Đến khoảng 00h10, hai anh em ông Thêm bất ngờ bị một tên cướp tấn công, ông Văn tử vong trên đường đi bệnh viện. Ngay sau khi xảy ra sự việc, ông Thêm bị công an xã Đồng Tĩnh và công an huyện Tam Dương bắt với tội danh "Giết người". Đến năm 1973, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa vụ án ra xét xử và kết tội với mức án cao nhất là tử hình.

Năm 1974, Tòa án nhân dân Tối cao kết tội y án sơ thẩm với mức án tử hình. Lệnh tử hình chưa kịp thực hiện thì vào cuối năm 1974, công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt được một đối tượng cướp của là Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, trú tại thôn Phần Thạch, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú). Tại cơ quan điều tra, y khai nhận mình chính là hung thủ giết người tại lều cắt tóc.

Do vậy, đầu năm 1976, ông Thêm được Toà án nhân dân tối cao quyết định tha, và trả lại tự do nhưng lại không có kết luận ông vô tội. Từ đó đến nay, bản án tử hình về tội giết người vẫn treo lơ lửng trên đầu ông Thêm. Sau gần 50 năm đi kêu oan, mới đây Tòa án nhân dân đã có kết luận chính thức đối với vụ việc của ông Trần Văn Thêm là oan sai.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo