Chân dung

Steve Jobs: Người con Syria di cư đầu tiên làm khuynh đảo thế giới

(DNVN) - Ít ai biết được rằng, cha đẻ của chiếc điện thoại thông minh iPhone, bậc thầy phù thủy trong làng công nghệ thế giới Steve Jobs được sinh ra trong một gia đình Syria di cư tới Mỹ để tìm cuộc sống mới.

Cuối tháng trước, chính quyền Hungary cũng tuyên bố sẽ siết chặt thêm vấn đề di dân và tị nạn bằng cách đưa ra phê chuẩn hàng loạt đạo luật có liên quan. Bên cạnh việc hoàn tất giai đoạn một của dự án dựng hàng rào trên 175km biên giới với Serbia, cũng như thiết lập một lực lượng cảnh sát riêng để “bảo vệ biên giới”, các điều luật được sửa đổi cho phép có thể huy động cả quân đội để xử lý tình trạng người tị nạn.

Những hành động kể trên cho thấy, chính phủ nước này thẳng thừng từ chối những người hồi giáo di cư - đa phần trong số đó là những người muốn trốn chạy khỏi hiện trạng chiến tranh liên miên ở Syria. Kết quả là, hàng nghìn người di cư đã quyết định đi bộ từ nhà ga chính của thủ đô Hungary tới biên giới với Áo, cách đó khoảng 175km, sau nhiều ngày mắc kẹt tại Budapest để mong có thể tới các nước tây Âu.

Hàng nghìn di cư người quyết đi bộ đến Đức và Áo.
Hàng nghìn di cư người quyết đi bộ đến Đức và Áo.

Điều đáng nói là cảnh tượng này xảy ra ngay cả khi bức ảnh một cậu bé Syria bị thiệt mạng trong quá trình cùng cha mẹ trốn chạy khỏi Syria dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ lan truyền rộng khắp trên toàn thế giới khiến lay động hàng triệu trái tim. Tấm ảnh là minh chứng cho hành trình tị nạn đầy khắc nghiệt của những người muốn chạy trốn khỏi chiến tranh ở quê nhà.

Ngoài Hungary, một số quốc gia khác ở châu Âu cũng có thái độ tương tự, điển hình là Hy Lạp. Những tay súng đeo mặt nạ của quốc gia này đã nổ súng tấn công những tàu thuyền chở người di cư để ngăn chặn việc họ tiếp cận được tới bờ biển. Ngay cả Đức, quốc gia đã chấp nhận lượng người tị nạn khổng lồ lên tới 800.000 người cũng bị chỉ trích khi để xảy ra vụ đột kích tấn công người nhập cư mới đây.

Mãi cho tới thứ 6 vừa qua, khi Đức, Áo và Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn đang đi bộ tới biên giới của Hungary với Áo, chính phủ nước này mới quyết định cung cấp 100 chiếc xe bus chở khoảng 1.200 người tị nạn, rời nhà ga xe lửa chính Keleti ở thủ đô Budapest để tới những nước đón nhận họ.

Steve Jobs, cha đẻ của iPhone chính là một người con gốc Syria.
Steve Jobs, cựu CEO của Apple chính là một người con gốc Syria.

Hình ảnh hàng trăm con người di cư tội nghiệp khoác trên mình những chiếc áo mưa, với dáng vẻ mệt mỏi và kiệt sức trèo lên xe bus, mang theo hy vọng có thể bắt đầu một cuộc sống mới tại Tây Âu cho thấy: Các quốc gia giàu có ở châu Âu rõ ràng đang miễn cưỡng trong việc đón nhận những người tị nạn và cung cấp cho họ nơi trú ẩn an toàn ở một quốc gia hoà bình.

Thế nhưng ít người biết một nhân vật, người đã từng làm khuynh đảo thế giới công nghệ và là cha đẻ của dòng điện thoại thông minh iPhone, Steve Jobs là một người con của một gia đình Syria đi di dân tới Mỹ. 

 

Quay trở lại năm 1949, có một thanh niên 18 tuổi người Syria tên Abdul Fattah Jandali rời ngôi nhà khá giả của mình tới Beirut theo học tại trường đại học Hoa Kỳ ở Beirut. Những ngày tháng tại thủ đô Lebanon của ông được miêu tả như "những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời".

Abdul Fattah Jandali và bà Joanne Carol Schieble, cha mẹ đẻ của Steve Jobs.
Abdul Fattah Jandali và bà Joanne Carol Schieble, cha mẹ đẻ của Steve Jobs.

Những tưởng chàng thanh niên ấy sẽ có một cuộc sống yên ả, sinh con đẻ cái tại đây. Tuy nhiên, do một vài biến cố về mặt chính trị tại Beirut, Jandali buộc phải rời bỏ quê hương và tới nước Mỹ năm 1954 và ở cùng một người họ hàng của mình, chính là Đại sứ Syria tại Mỹ.

Ở đây, ông theo học một năm tại Đại học Colombia, sau đó Jandali nhận được học bổng và chuyển tới học tại Đại học Winconsin. Trong những ngày tháng ở Winconsin, ông gặp được Joanne Carol Schieble, một phụ nữ Đức gốc Thụy Sỹ và chìm đắm trong tình yêu. Schieble mang thai sau đó ít lâu, nhưng người cha bảo thủ của bà không cho phép con gái mình được lấy một người đàn ông Ả Rập.

Trước áp lực của bố mẹ, cũng như do Jandali vì lý do nào đó bỏ đi, bà Schieble một mình tới San Francisco sinh con, sau đó cắn răng đưa đứa trẻ vào một trung tâm bảo trợ trẻ em.

Cậu bé tội nghiệp sau đó được một cặp vợ chồng hiếm muộn là Paul và Clara Jobs nhận nuôi và đặt tên là Steven Paul Jobs, cũng chính là phù thủy làng công nghệ Steve Jobs nổi tiếng của Tập đoàn Apple.

 

Thu Phương (Theo Independent)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo