Văn hóa

Tác giả “Thánh Gióng” đã bay về trời

Lâu nay, anh em làng văn nghệ ở nước ta vẫn thấp thỏm nói với nhau rằng, Nguyễn Hải - một cây đại thụ trong giới điêu khắc, một người anh, người thầy, người bạn hào sảng - đã đến đoạn nghỉ ngơi, chẳng thiết gì, phần vì tuổi cao, phần vì mang trọng bệnh.

Nhưng không ai muốn nghĩ rằng, một người tràn đầy sức sống, sức sáng tạo như thế lại dễ từ bỏ cõi nhân gian này. Vậy mà ông đã lẳng lặng ra đi vào lúc hoàng hôn của ngày 19.11.2012.

Ngay cả khi còn sống, Nguyễn Hải đã tạo nên một khoảng cách giữa những tác phẩm của ông với nền điêu khắc hiện đại nước nhà. Điều đó không hề có ý so sánh, mà chỉ là khẳng định một phong cách, một quan niệm thẩm mỹ riêng biệt của ông. Giờ ông đã khuất, thì khoảng cách đó, hình như vẫn còn nguyên vẹn.

Sinh năm 1933 tại Tiền Giang, sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc chỉ để thỏa một ước nguyện là được học tại Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, trước là Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam - cái nôi của nền hội họa nước nhà. Tại đây, ông đã được gặp gỡ và học hỏi một người anh lớn cũng quê Nam Bộ là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ngày đó, vài giáo sư hội họa và điêu khắc của Liên Xô cũng sang giảng dạy tại trường. Vậy là tất cả đều mới mẻ với một chàng trai Nam Bộ. Và cũng từ đó, hành trình của ông trên con đường sáng tạo được xác lập.

Với một tư chất đậm đặc miền sông nước Tiền Giang, với cá tính mạnh mẽ, phóng khoáng, ông đã tiếp thu những vốn liếng cần thiết của nghệ thuật tạo hình, đồng thời cũng biết loại bỏ những khuôn mẫu của chủ nghĩa hiện thực vốn đang là kim chỉ nam trong nghệ thuật ngày đó để có được một “giọng” riêng. Sau khi ra trường, một loạt các tác phẩm của ông đã thuyết phục và mở đường cho một dòng thẩm mỹ khác trong điêu khắc. Khó ai  có thể tránh được cái nặng nề duy lý của trường phái Xôviết, cũng khó tránh được tính hàn lâm của thẩm mỹ cổ điển. Vậy mà ông đã tránh được cả hai con đường đó, để làm nên một “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, một “Thánh Gióng” - hai tác phẩm tiêu biểu nhất của ông trong hàng chục tác phẩm ông đã làm. Ở đó, hiện thực và ước vọng khải hoàn đã hòa làm một, đã nâng điêu khắc lên trên một khái niệm cụ thể, để chỉ còn lại khúc ca thánh thiện tự thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ. Khúc ca đó sẽ mãi còn lại.

 

 

Đoàn Huế (Theo Lao Động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo