Tin tức - Sự kiện

Tăng giá cước và phụ phí vận tải biển: Bộ GTVT sẽ thanh tra đồng loạt

Trước tình trạng tăng giá cước và phụ phí của các hãng tàu quá cao, gây thiệt hại lớn cho các DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu thủy sản (bài “DN thủy sản: Teo tóp vì cước và phụ phí vận tải”), DĐDN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công xung quanh vấn đề này.
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, chuyện tăng giá hiện nay có nhiều lý do mà lý do chính là hiện giờ tất cả đội tàu của VN chỉ hoạt động quanh quẩn ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, còn tàu container đi các nước châu Âu, Bắc Mỹ… chúng ta đang phó thác 100% cho nước ngoài. Mặt khác, về câu chuyện tăng giá, chúng ta cần xem lại vai trò của các hiệp hội cũng như bản thân các DN xuất nhập khẩu. Rõ ràng, có thể ở đây có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Điều này chúng tôi đã họp, đã có ý kiến đề xuất, sắp tới sẽ có thông báo kết luận chính thức của Chính phủ về việc này.
 
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công (Ảnh THTVO)
 
- Về vấn đề phụ phí, tồn tại lâu rồi, đã có nhiều cuộc họp, trên các hội nghị đối thoại, Bộ GTVT nhiều lần đề xuất, kiến nghị nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết dứt điểm, thưa Thứ trưởng?
 
Cũng lại nói về chuyện phụ phí này, thực ra nó cũng chỉ là cước, chính xác là phụ phí theo cước vận tải biển. Cho nên, phải gọi là phụ cước, không nên gọi là phụ phí vì phụ phí liên quan tới phí mà phí phải do nhà nước ban hành, quy định. Còn ở đây chỉ là giá, là cước tuân thủ theo quy luật theo thị trường. Khi tìm hiểu các hãng tàu thu những loại phụ cước này thì nhận thấy một số loại phụ cước theo thông lệ quốc tế; Có những loại chỉ xuất hiện ở VN và một vài nước khác đang bị yếu thế về lĩnh vực vận tải biển. Tuy nhiên, với loại phụ cước theo thông lệ quốc tế, cũng có DN phản ánh rằng, ở VN người ta thu cao hơn. Ở các nước, họ có thỏa thuận giữa các hiệp hội cũng như các DN vận tải để thống nhất được mức thu, thời điểm thu, thu như thế nào? Điển hình như phụ cước tắc nghẽn, họ định nghĩa rõ ràng về tắc nghẽn, khi nào bắt đầu thu, mức thu như bao nhiêu và khi nào thì dừng thu?... Trong khi đó, VN lại chưa làm được điều này.

- Vai trò của nhà nước trong vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
 
Chúng ta đang tiến tới nền kinh tế thị trường nên nhà nước không kiểm soát về giá, trừ một số loại hàng tương đối đặc biệt liên quan tới an ninh, quốc phòng, dân sinh, còn các loại khác, giá do thị trường điều tiết. Đối với lĩnh vực vận tải biển, cảng biển, hầu hết những gì liên quan tới giá đều được điều tiết theo thị trường.
 
Đối với vấn đề giá cước, nhà nước rất khó để can thiệp. Đặc biệt, việc giá cước tăng cao lại xuất hiện khi chúng ta mua CIF, các chủ hàng của VN không ký hợp đồng vận tải mà người bán ký. Những nội dung này theo tôi nghĩ đáng lẽ phải được thỏa thuận một cách chi tiết ở trong hợp đồng. Thế nhưng, thực tế chúng tôi không biết các DN ký kết như thế nào.
 
Có thể dẫn trường hợp điển hình của một DN sản xuất kiến nghị lên Bộ GTVT về việc DN này phải đóng tiền cước 2 lần: Bộ GTVT vừa đề nghị DN cung cấp cho Bộ một số hợp đồng: Hợp đồng ký giữa người mua và người bán; Kể cả hợp đồng mà người mua phải yêu cầu người bán cung cấp hợp đồng giữa người bán với nhà vận tải… để chúng tôi tìm hiểu xem có xảy ra tình trạng ở bên kia người bán đã nộp rồi và ở bên này người mua lại phải nộp lần nữa? Sau đó, mới có hướng giải quyết cho DN. 
 
Thêm một cái khó nữa là bản thân các DN cho rằng bị thu oan uổng, vô lý nhưng không ai dám kiện tụng. Tôi cũng thông cảm với vấn đề của DN trong việc cân nhắc kiện tụng sẽ gây ra những phiền phức trong quá trình giao dịch. Nhưng rõ ràng, vấn đề nằm ở chỗ bản thân DN không dám đứng ra kiện thì nhà nước sẽ rất khó có lý do để can thiệp. Thực tế này đẩy chúng tôi vào tình thế phải bàn họp rất nhiều lần, phải đắn đo, cân nhắc...
 
- Vậy theo quan điểm của Thứ trưởng, Nhà nước hay Bộ GTVT cần có những giải pháp gì để can thiệp vào câu chuyện giá cước và phụ phí vận tải?
 
Thứ nhất, liên quan tới giá cước và các loại phụ cước thì trong thời gian qua, chúng tôi đang sửa đổi một số điều Luật Hàng hải VN. Đồng thời, đang nghiên cứu đưa nội dung này vào trong Luật Hàng hải để làm sao ít nhất chúng ta kiểm soát việc công khai giá cước và phụ cước của bất cứ hãng tàu nước ngoài đang kinh doanh, hoạt động tại VN.
 
Hai là, liên quan tới phụ cước, chúng ta phải chấp nhận một số loại theo thông lệ quốc tế nhưng cần phải có các quy định, chế tài để kiểm soát. Còn những loại phí nào không hợp lý thì chúng ta kiên quyết không cho thu. Tất nhiên, Nhà nước phải tìm cách đưa quy định về vấn đề này vào những văn bản pháp luật chứ hiện nay vẫn buông lỏng, chưa xử lý được. Thực ra, để đưa vào văn bản pháp luật thì chúng tôi mới đang nghiên cứu dù biết rằng trên thực tế sẽ rất khó khăn.
 
Chúng tôi sẽ thanh tra đồng loạt tất cả các DN vận tải biển, cũng như các DN cảng biển. Việc thanh tra trong năm 2015 không phải đột xuất mà là thanh tra thường xuyên. Chúng tôi không thanh tra một DN vận tải biển mà sẽ thanh tra từ một container. Ví dụ: Xác minh container vào cảng phải nộp bao nhiêu tiền, nộp những thứ gì, và cước vận tải biển là bao nhiêu? Sau đó, đường đi nước bước của container ấy về chi phí, hồ sơ thủ tục như thế nào? Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ căn cứ vào luật pháp hiện hành của VN để nghiên cứu xem xét có DN nào lợi dụng vị thế độc quyền của mình để cạnh tranh không lành mạnh? Có vi phạm luật cạnh tranh không?
 
Những nội dung này sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới để có thể cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các DN xuất khẩu, đặc biệt là DN xuất khẩu thủy sản đang gặp phải.
 
- Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng!
 

20 hãng tàu biển lớn bị “sờ gáy”

Tại cuộc họp báo thường kỳ vừa mới đây, Phó chánh tranh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, ngay tuần này sẽ tiến hành kiểm tra 20 hãng tàu biển nước ngoài lớn và các Cty đại lý tàu biển… về việc thu phí, phụ phí gây bức xúc cho DN.

Trước đó, tại cuộc họp về tình hình thu phụ phí theo cước vận tải biển của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam (ngày 18/3), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá thực tế việc thu các loại phí, phụ phí của các hãng tàu ngoại để xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Trước tình trạng hãng tàu thu phí vô tội vạ, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ đề xuất quy định về danh mục các loại phụ phí theo cước vận tải biển được áp dụng tại Việt Nam, thực hiện kê khai và kiểm soát các loại phụ phí…

Ông Trần Huy Trường, Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã lên danh sách các hãng tàu biển nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, các công ty đại lý hãng tàu để tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách thuế và phí. Cụ thể, đã lựa chọn 20 hãng tàu biển lớn và đại lý tàu để tiến hành kiểm tra ngay trong tuần này.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc các hãng tàu biển nước ngoài áp đặt thu thêm một số loại phí, phụ phí theo cước vận tải biển đã làm ảnh hưởng đến DN có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chính sách thuế, phí của các hãng tàu, trong đó gồm nội dung áp đặt thu các loại phí, phụ phí.

Đoàn kiểm tra đã chọn lựa các hãng tàu lớn, gồm 20 đơn vị tập trung ở cảng biển khu vực TP HCM, Hải Phòng. Việc thanh tra sẽ thực hiện ngay trong tháng 4 để sớm có kết quả báo cáo Chính phủ” – Bà Mai khẳng định. Tuy nhiên, danh sách các hãng tàu lớn bị “sờ gáy” lần này không được tiết lộ.

Theo thống kê của Cục hàng hải Việt Nam, đến tháng 10/2014, có 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận vận chuyển khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Các hãng tàu đang áp đặt khoảng 12 loại phụ phí như: phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hóa đơn…

Đơn cử: lấy lý do tuyến đường dẫn vào cảng Hải Phòng thường xuyên bị tắc nghẽn, gây chậm chuyến, làm phát sinh chi phí vận hành tàu nên các hãng tàu đồng loạt thu phí tắc nghẽn cảng (PCS) từ vài năm nay. Mặc dù các DN đã phản ứng gay gắt tình trạng lạm thu phí nhưng vẫn phải chấp nhận nộp vì đang phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài.

Q.M


Theo DĐDN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo