Tài chính - ngân hàng

“Tăng lực” cho xuất khẩu gạo

Thị trường khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với gạo của các quốc gia khác, nguồn vốn eo hẹp… đó là những khó khăn mà xuất khẩu gạo phải đối diện trong năm 2015.

Gạo xuất khẩu Việt Nam hướng tới các thị trường tiềm năng

Còn nhiều khó khăn

 

Tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 được nhận định sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn bởi Thái Lan- một trong những “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm tiêu thụ gạo. Đặc biệt, không những tập trung vào sản phẩm gạo thơm- phân khúc gạo thơm cao cấp truyền thống, những năm gần đây, Thái Lan đã chuyển hướng sang gạo thơm giá trung bình- dòng sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Đây thực sự là thách thức lớn đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam.

 

Thời gian qua, Ấn Độ nổi lên là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong niên vụ 2013 - 2014, sản lượng lúa gạo của Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục với 106,54 triệu tấn. Để tiêu thụ tốt lượng gạo này, Ấn Độ đang đưa ra nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt, Ấn Độ đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với Việt Nam.

 

Tại Hội nghị tổng kết năm 2014 của Bộ Công Thương mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo là vốn. “Về năng lực tài chính, các DN xuất khẩu gạo hầu như không đủ vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Trong 144 thương nhân xuất khẩu gạo, chỉ khoảng 20% thương nhân có năng lực tài chính tương đối, còn lại 80% thương nhân ở mức trung bình và yếu”- đại diện VFA cho hay.

Bên cạnh những bản ghi nhớ về thương mại gạo đã được ký kết trong thời gian trước, năm 2015, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các quốc gia tiềm năng khác như: Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar... nhằm tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các quốc gia này.

 

Gỡ khó cho xuất khẩu gạo

 

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2015, với các khó khăn về vốn, VFA đã đề xuất với Chính phủ cho phép các DN xuất khẩu gạo được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, các khoản vay lưu động ngắn hạn để đầu tư hệ thống kho tàng và hệ thống chế biến trước đó cũng được đề xuất chuyển sang vay trung dài hạn nhằm cải thiện năng lực tài chính của DN.

 

Đối với các khó khăn về thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015, bên cạnh việc tập trung vào các thị trường chính như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo sang thị trường châu Phi- một trong những thị trường rất tiềm năng của gạo Việt.

 

Để chuẩn bị tốt cho việc này, nhiều biện pháp hỗ trợ DN xuất khẩu sang thị trường châu Phi sẽ được đẩy mạnh triển khai như hỗ trợ DN thành lập DN, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai nhiều đề án như Đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi, Đề án đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi…

 

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thị trường châu Phi cũng được nhận định là khá rủi ro do khoảng cách địa lý cũng như thiếu thông tin về đối tác. Nhằm giảm thiểu khó khăn này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) để thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và bảo đảm an toàn trong thanh toán xuất nhập khẩu... Các cuộc giao thương giữa DN hai bên cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai, nhằm cung cấp thông tin, tránh những rủi ro trong giao dịch xuất khẩu.

Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo