Thị trường

Tăng thuế VAT ảnh hưởng thế nào đến người nghèo?

(DNVN) - Mặc dù nhận định những lo ngại về tác động của việc tăng thuế VAT tới người nghèo là chính đáng, nhưng ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, nếu thuế VAT thấp thì người giàu lại được hưởng lợi nhiều hơn...

Đánh giá như thế nào về tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với người nghèo, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, những tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế VAT, đặc biệt là đối với người nghèo là rất quan trọng. Đây là vấn đề gây tranh cãi khắp nơi trên thế giới.

Theo ông này, không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế VAT không phân biệt đối tượng nộp thuế. Tất cả các hộ gia đình đều phải trả thuế VAT như nhau, bất kể mức thu nhập thế nào nên thuế VAT có tính chất lũy thoái. Vì thế, vị này cho rằng, bởi vì các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế VAT.

Ảnh minh họa.

"Tôi cho rằng lo ngại về tác động tới người nghèo là chính đáng, nhưng theo tính toán của chúng tôi thì 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Việt Nam hiện chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT, trong khi 20% hộ giàu nhất trả gần 40%. Như vậy, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Do đó, thuế GTGT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo", vị này nhận định.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt cũng phân tích, các hộ gia đình nghèo chi trả phần lớn hơn trong thu nhập của mình để tiêu dùng, đặc biệt là vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Một giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo là giữ nguyên mức thuế suất thuế GTGT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu. Điều này sẽ làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo vị này, bất kỳ cuộc tranh luận về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế GTGT cần được đánh giá trong bối cảnh toàn bộ hệ thống thuế và hệ thống phúc lợi, chứ không chỉ một sắc thuế riêng lẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu mức thuế suất thuế GTGT thấp có phải là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu hệ thống tài chính công bằng. Một lần nữa, tôi cho rằng biện pháp tốt hơn là sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ người nghèo.

Về số thu, đề xuất của Bộ Tài chính đã bao gồm các cải cách thuế khác để tạo ra một hệ thống thuế lũy tiến và công bằng hơn. Ví dụ, cải cách thuế TNCN làm cho thuế TNCN có tính chất lũy tiến hơn. Việc đề xuất áp dụng thuế tài sản, thường có tính chất lũy tiến, cũng rất quan trọng.

"Chúng tôi cũng khuyến nghị Việt Nam nên xóa bỏ các lỗ hổng thuế và ưu đãi miễn thuế TNDN để đảm bảo rằng khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp ngân sách, đặc biệt là khi mức thuế suất thuế TNDN hiện nay của Việt Nam đã rất cạnh tranh", ông Sebastian Eckardt nói và cho biết thêm, ngoài ra, cũng có nhiều cách tốt hơn để phân bổ lại cho các hộ nghèo trong về mặt chi ngân sách, bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho người nghèo. 

 

"Vì vậy, nếu chúng ta xem xét đề xuất tăng thuế GTGT trong bối cảnh rộng hơn này thì có thể giải quyết được mối lo ngại về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế GTGT", ông Sebastian Eckardt nhận dịnh.

Nên đọc
Minh Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo