Bất động sản

Táo bạo dự án 10 tỷ USD làm thay đổi Hà Nội

Dẫn nước sông Đà về thẳng Hà Nội theo trục Hồ Tây – Ba Vì qua một hệ thống tự chảy; xây đập dâng trên sông Hồng để hồi sinh sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đắp đê sông Đáy kết nối Hà Nội với tuyến đê biển quốc gia ở phía Nam, trục đê sông Hồng ở phía Bắc

Sau một thập kỷ ấp ủ, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh vừa chính thức công bố dự án Hệ Mạch về cấp nước kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan Thủ đô Hà Nội lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Lấy nước sông Đà, xây đập chắn ngang sông Hồng

 

Ông Phùng Văn Hệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh, tác giả dự án Hệ Mạch về cấp nước kết hợp phát điện, giao thông, cải thiện môi trường cảnh quan Thủ đô Hà Nội (gọi tắt là dự án Hệ Mạch) cho biết, công ty của ông đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu dự án từ năm 2002.  Trong vòng 5 năm, từ 2002 đến 2007, công ty đã tiến hành viết ý tưởng, lập hồ sơ, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Từ tháng 6/2007, công ty đã hoàn thành đề án trình Chính phủ và báo cáo UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hòa Bình và Phú Thọ.

 

Dự án Hệ Mạch bao gồm ba hợp phần, liên quan chặt chẽ với nhau. Theo đó, với dự án thành phần Hệ Mạch 1 (cấp nước cho Thủ đô Hà Nội từ hồ Hòa Bình), thì nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch một cách bền vững, ổn định với lưu lượng lớn, giá thành rẻ cho các nhu cầu dùng nước tại Hà Nội và địa phương lân cận. Giải pháp kỷ thuật chủ yếu là xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước hiện đại, tự chảy từ hồ Hòa Bình về Hà Nội. Trên tuyến dẫn xây dựng một nhà máy thủy điện và kết hợp trục dẫn chính Hệ Mạch với tuyến đường quy hoạch đã được duyệt (trục Hồ Tây – Ba Vì) nhằm giảm thiểu kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng…

 

Theo ông Hệ, với dự án thành phần Hệ Mạch 2 (đập dâng sông Hồng kết hợp cầu giao thông) có nhiệm vụ kết hợp với dự án thành phần Hệ Mạch 1 để tối ưu hóa nhiệm vụ cấp nước chung của dự án tổng thể. Bằng việc xây dựng đập dâng trên sông Hồng kết hợp giao thông nối Ba Vì với Việt Trì (Phú Thọ) sẽ sử dụng nước ở hạ lưu nhà máy thủy điện Hòa Bình để cung cấp nước tự chảy cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, lưu lượng nước dự kiến khoảng 53m3/s.

 

Riêng dự án thành phần 3 (cải tạo sông Đáy đoạn qua thành phố Hà Nội) sẽ tạo ra hai tuyến đê vững chắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống lũ lụt cho Thủ đô. Đồng thời, tuyến đê kết hợp giao thông sẽ kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, tuyến đê biển quốc gia về phía Nam; nối Hà Nội với trục đê sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phúc, cầu vành đai 4 ở phía Bắc và tạo được cảnh quan như sông Volga, sông Seine…

 

Mức vốn khủng

 

Ông Hệ tiết lộ, dự án này có tổng mức đầu tư 248.529 tỷ đồng (tương đương hơn 10 tỷ USD). Trong đó, vốn cho dự án thành phần Hệ Mạch 1 là 50.277 tỷ đồng, dự án thành phần Hệ Mạch 2 có nguồn vốn là 7.806 tỷ đồng, với dự án Hệ Mạch 3 có nguồn vốn lớn nhất là 190.394 tỷ đồng.

 

Theo ông Hệ, dự án đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, vì vậy cần có cơ chế vốn và huy động vốn phù hợp. Nhà đầu tư đề xuất các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn từ các nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO, BOO, PPP và các nguồn vốn hợp pháp khác…

 

Ngày 13/2, tại Hà Nội, dự án này đã được Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.


Theo PLVN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo