Xã hội

Thanh Hóa: Doanh nghiệp bị “mắc kẹt” bởi 1 gia đình cố thủ

(DNVN) – Mặc dù đã có quyết định giao đất cho doanh nghiệp nhưng UBND TX Sầm Sơn lại phải chỉ đạo trật tự phường phá bỏ hàng rào xây tạm của DN nhằm bảo vệ một hộ gia đình chống lại quyết định giao đất.

Giao đất cho doanh nghiệp đúng pháp luật

Theo tìm hiểu của PV dự án xây dựng khách sạn cao cấp của Cty TNHH Hồng Thắng, ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt chủ trương đầu tư theo công văn số 216/UBND-NN ngày 13/1/2011. Ngày 4/7/2011, UBND thị xã Sầm Sơn ban hành Quyết định số 360/UBND-QLĐT về việc phê duyệt mặt bằng quy hoạch xây dựng khách sạn cao cấp Hồng Thắng tại thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn với tổng diện tích 9,2ha.

Gia đình bà Ngô Thị Lệ vẫn cố tình cố thủ không chịu bàn giao mặt bằng cho DN chỉ vì đòi thêm ngõ không thuộc tài sản của gia đình bà.

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003, UBND thị xã Sầm Sơn xác định đây là dự án Nhà nước thu hồi đất. Ngày 16/1/2003, UBND thị đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-UBND phê duyệt phương án bố trí tái định cư để GPMB thực hiện dự án xây dựng khách sạn.

Nhưng cho đến nay ông Lê Ngọc Chiến – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn chỉ mới GPMB và bàn giao cho Cty TNHH Hồng Thắng 0,42ha, phần diện tích còn lại thị xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất thực hiện dự án.

Trong khi đó tất cả các quyền, nghĩa vụ hành chính đối với nhà nước và pháp luật, DN đã thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính đầy đủ theo quy định. Vậy nhưng đã gần 6 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ chỉ vì một lá đơn của 1 chủ sử dụng đất không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Bị tắc vì lá đơn chống đối chủ trương giao đất

Việc dự án bị trì trệ, không thể tiến hành thi công như kế hoạch của chủ đầu tư đều bắt nguồn từ một lá đơn khiếu kiện triền miên của bà Ngô Thị Lệ nhằm chống đối quyết liệt chủ trương giao đất cho DN xây dựng.

 

Cụ thể được biết, trong tổng diện tích 9,2ha UBND thị xã Sầm Sơn giao cho DN Hồng Thắng bao trùm nhiều hộ gia đình, trong đó có toàn bộ 369 m2 của bà Lệ tại thửa số 177a tờ bản đồ số 32. Và mặt bằng quy hoạch giao cho DN đã bao gồm tất cả các ngõ đi chung của các gia đình trước đây. Nhiều hộ gia đình khác đã thực thi quyết định GPMB, tái định cư giao đất và nhận tiền, nhận khu tái định cư để ổn định cuộc sống xong chỉ gia đình bà Ngô Thị Lệ quyết liệt chống đối khiến DN và chính quyền sở tại lúng tún trong việc thực thi pháp luật.

Bà Lệ cho rằng cái ngõ đi chung (phần khoanh đỏ) mà tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn bàn giao cho DN là ngõ của riêng của gia đình nhà bà là không đúng.

Do đó khi DN Hồng Thắng tiến hành xây tường rào tạm bằng lưới B40 và gạch vồ thì bà Lệ lại viết đơn kêu cứu cho rằng DN xây tường rào trái phép và khiến cho nhà bà không có đường đi vào nhà. (Thực chất, nhà bà Lệ nằm ngay mặt đường Hồ Xuân Hương, để đi vào nhà, bà Lệ có thể đi bằng nhiều con đường khác rộng rãi hơn, ngay cả việc đi qua phần dự án đã GPMB. Vậy nhưng bà Lệ vẫn “cố thủ” bằng việc đi con ngõ chung) khiến DN khó khăn không có mặt bằng sạch để xây dựng dự án.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Hữu Định – Giám đốc Cty TNHH Hồng Thắng, DN có thể xây bịt hoàn toàn diện tích ngõ vì đó là diện tích đã đất đã được UBND thị xã giao, tuy nhiên chúng tôi đã không làm vậy, vì chúng tôi sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này, gia đình bà Lệ là hàng xóm. Cty Hồng Thắng khi tiến hành xây dựng tường rào tạm quanh phần diện tích được giao nhằm chống tái lấn chiếm đã để lại phần ngõ đi theo yêu cầu vô lý của bà Lệ rộng gần 1m để gia đình bà đi tạm trong khi chờ GPMB. Vậy nhưng bà Lệ một mặt khẳng định phần ngõ đi chung đó không phải đất nhà mình, nhưng một mặt lại kêu cứu không có đường đi nhằm chống đối chủ trương GPMB và cho rằng việc xây tường rào của Cty Hồng Thắng là trái phép.

Chính quyền khó xử lý….

Thay vì kiểm tra thực tế, rà soát thủ tục và chỉ đạo thực hiện đúng chủ trương, kế hoạch, tạo điều kiện cho DN thực hiện dự án thì UBND tỉnh Thanh Hoá lại ban hành văn bản bảo vệ hộ gia đình bà Lệ (người quyết liệt chống đối chủ trương). Gần đây nhất, ngày 28/6, ông Trần Huy Chân – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký công văn số 6843/UBND-TD “Yêu cầu UBND thị xã Sầm Sơn chỉ đạo tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng ngõ đi của hộ bà Ngô Thị Lệ”. Văn bản cũng yêu cầu UBND thị xã Sầm Sơn “kiểm tra, kết luận rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất ngõ đi của bà Lệ và nguồn gốc đất của Cty TNHH Hồng Thắng”.

 

Văn bản thu hồi đất bố trí tái định cư của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay DN vẫn chưa thể triển khai xây dựng được dự án.

Tuy nhiên, nhiều lần trước đó, UBND thị xã Sầm Sơn đã gửi báo cáo việc xác định nguồn gốc đất. Gần đây nhất, ngày 4/7, ông Lê Ngọc Chiến – Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn đã ký công văn 1347/UBND-TNMT khẳng định, toàn bộ diện tích 369m2 theo GCN đã cấp cho hộ bà Lệ đã được UBND thị xã Sầm Sơn ban hành QĐ số 1333/QĐ-UBND ngày 31/5/2011 thu hồi. Hộ gia đình bà Lệ cũng nằm trong số các hộ gia đình phải di dời, tái định cư theo QĐ số 2749/QĐ-UBND ngày 15/12/2011, của UBND thị xã. Còn phần diện tích ngõ đi thuộc diện tích đất giao thông do UBND xã Quảng Cư quản lý đều nằm trong mặt bằng quy hoạch thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án khách sạn cao cấp Hồng Thắng.  Cty TNHH Hồng Thắng đã bồi thường, hỗ trợ có phiếu thu tiền do xã Quảng Cư lập ngày 21/4/2012 một cách đầy đủ.

Với bản chất của sự việc là tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn đã gia đất cho DN nhưng chớ trêu thay chỉ vì một hộ gia đình có đơn chống đối việc giao đất của tỉnh và thị xã Sầm Sơn nhưng UBND thị xã Sầm Sơn lại không thể không thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh. Vậy là phải chỉ đạo tháo dỡ tường rào xây tạm trên chính đất mà UBND thị xã đã giao cho Cty Hồng Thắng với lý do chưa có giấy phép xây dựng khiến công ty Hồng Thắng không thể tiến hành triển khai dự án theo như kế hoạch gây tổn thất lớn về kinh tế.

Lê Duy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo