Pháp luật

Thanh Hóa: Hàng tỷ tiền làm đường để đi vào... rừng của cán bộ, lãnh đạo?

(DNVN) - Hàng tỷ đồng tiền vốn vay hỗ trợ xây dựng đường bê tông nông thôn thuộc Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa không được sử dụng cho đông đảo người dân, mà Sở NN&PTNT Thanh Hóa “quyết tâm” đầu tư xây dựng làm đường vào... rừng của lãnh đạo.

Lãnh đạo Sở nhận sai nhưng... vẫn cứ làm

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh, thời gian vừa qua dư luận tại huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) xôn xao về việc hàng trăm héc ta rừng sản xuất được BQL rừng phòng hộ Như Xuân và Sở NN&PTNT Thanh Hóa xin chuyển đổi từ rừng sản xuất đã "rơi" vào tay nhiều cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan và sở, ngành tỉnh này, trong khi nhiều người dân không có đất rừng.

Với lý do phát triển kinh tế, 200 héc ta rừng tự nhiên được cho là nghèo kiệt đã bị tàn phá, và thay vì trồng cây cao su như định hướng dự án được phê duyệt, Sở NN&PTNT và một số đơn vị ngang nhiên tự chuyển sang trồng cây keo trên phần lớn diện tích của dự án, trong khi chưa được sự phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Văn Đốc – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã rất dứt khoát khẳng định, toàn bộ diện tích 200 héc ta rừng của dự án đang được cán bộ, nhân viên BQL rừng Như Xuân quản lý, không có chuyện cán bộ, lãnh đạo các cơ quan khác được giao, hoặc đất được chuyển nhượng theo như thông tin phản ánh.

Ông Đốc cũng xác nhận, việc triển khai trồng cây cao su được thực hiện từ cuối năm 2014. Như vậy, sau gần 02 năm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, dự án mới tiến hành trồng cao su, điều này trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc trồng cây cao su trên đất nông nghiệp.

Vị lãnh đạo Sở này thừa nhận, về phần diện tích gần 150 héc ta bỏ hoang và chuyển đổi sang trồng keo trước khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, “về nguyên tắc là sai”, và trách nhiệm này thuộc Sở NN&PTNT và BQL rừng Như Xuân.

Lấy "mác" phục vụ dân sinh, con đường bê tông được đầu tư hàng tỷ đồng chạy thẳng vào dự án.

Như vậy, sau 04 năm thực hiện, dù biết là dự án này không khả thi và có nhiều vi phạm, sai trái nhưng vì sao lãnh đạo Sở NN&PTNT vẫn "cố" thực hiện. Phải chăng có sức hút, động lực nào đó ngoài việc thấy rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém hiệu quả nên quyết tâm thay đổi rừng, phát triển kinh tế?

Thêm một điều lạ thường là tại khu vực xã Xuân Thái (huyện Như Thanh), nhiều hộ dân không có đất rừng, không được giao rừng tại đây vẫn có thể đọc vanh vách tên, chức vụ, diện tích đất rừng của nhiều vị cán bộ, lãnh đạo đang quản lý, cũng như "tần suất" các vị này đi "thị sát" vào hàng chục héc ra đồi rừng của mình.

Hàng tỷ đồng tiền vốn vay làm đường để đi vào rừng... của lãnh đạo?

Theo tìm hiểu của PV, khu vực dự án trồng cao su khá heo hút, cách đường liên xã Xuân Phúc đi Xuân Thái trên 2 km. Khu vực này cũng chỉ có vài hộ dân nằm rải rác trên khoảng diện tích lớn xung quanh đất rừng dự án. Và điều bất thường là con đường bê tông dài 2,3 km đang được Sở NN&PTNT Thanh Hóa đầu tư xây dựng với giá trị hàng tỷ đồng lại đang chạy thẳng vào khu đất dự án này, đi qua hầu hết “lán trông rừng” (thực chất là nhà kiên cố-PV) được cho là của các cán bộ, lãnh đạo được “chia” rừng tại đây.

2,3 km đường bê tông có giá trị hàng tỷ đồng chỉ đề phục vụ 5-6 hộ dân đi lại hay là để thuận tiện cho việc đi vào rừng, bán rừng của cán bộ, lãnh đạo (?!)

Một người dân tại đây tỏ vẻ hồ hởi cho biết, nhờ có dự án tại đây nên mới được đầu tư con đường bê tông sạch đẹp thế này để người dân đi lại, đất rừng ở đây cũng vì thế mà có giá hơn. Trước kia chỉ 20 - 30 triệu đồng/ha, bây giờ thì phải hàng trăm triệu, mà dân cũng ít người mua được, đa số cán bộ đã chia nhau... quản lý hết.

 

Còn những con đường như thế này vẫn đang được hàng trăm hộ dân tại xã Xuân Thái sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, khi PV đưa ra thông tin về việc con đường này chạy thẳng vào dự án trồng cao su của BQL rừng Như Xuân, trong đó nghi vấn nhiều cán bộ, lãnh đạo hiện đang quản lý, sử dụng một phần diện tích lớn; cũng như việc con đường này không thiết thực phục vụ mục đích dân sinh bởi chỉ có vài hộ gia đình nằm rải rác... ông Đốc vẫn một mực khẳng định việc xây dựng con đường này là đúng đắn, đúng quy trình.

Chưa rõ tính thiết thực của con đường này, cũng như tác dụng của nó đối với cuộc sống, sinh hoạt của gần chục hộ dân tại đây; hay để phát triển dự án trồng rừng lãnh đạo Sở đã quy hoạch, nhưng điều hiển hiện trước mắt là hàng trăm, hàng nghìn người dân khác tại huyện nghèo Như Thanh hàng ngày phải đi lại trên những con đường đất đỏ bụi mù mịt ngày nắng, hay lâỳ lội những ổ trâu, ổ gà ngày mưa.

Bài 4: Hàng chục tỷ đồng được sử dụng làm đường rừng là... sai mục đích

Nhóm PVĐT
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo