Tin tức - Sự kiện

“Thầy dùi” hại doanh nghiệp

Cán bộ quản lý nhân sự phải hiểu luật và công tâm, nếu không thì sẽ gây hậu quả khó lường cho doanh nghiệp

 “Trong thông báo làm thêm giờ, công ty yêu cầu công nhân (CN) phải làm bản cam kết chấp nhận tăng ca, nếu ai từ chối sẽ bị phạt 300.000 đồng/người. Gần chục CN không đồng ý thực hiện yêu cầu này thì bị công ty cho thôi việc. Khi CN yêu cầu giải quyết quyền lợi, giám đốc đã cấm cửa, không cho vào công ty”. Hàng chục CN một công ty nhựa ở huyện Bình Chánh cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng TP HCM.

 
Gây ức chế cho công nhân
 
Làm việc với giám đốc công ty, các cơ quan chức năng biết được người tham mưu ra thông báo nêu trên là ông Đ.V.C, trưởng phòng nhân sự. Bị cơ quan chức năng chất vấn, ông C. chống chế: “Biết là không đúng nhưng nếu không ép CN tăng ca thì công ty không bảo đảm thời hạn giao hàng. Vả lại, giám đốc đã đồng ý thì cứ thế mà thực hiện”.
 
 Kỹ năng của người làm công tác nhân sự quyết định sự ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp
 
Tiếp xúc với các cơ quan chức năng, tập thể CN cho biết đây không phải là lần đầu ông C. gây ức chế cho họ bằng kiểu tư vấn “trời ơi”, chủ yếu để lấy lòng giám đốc. Lúc mới nhận chức, ông C. ra oai bằng cách đề xuất ban giám đốc ban hành những quy định hết sức ngặt nghèo, tất cả sai phạm của CN như đi làm trễ, đi vệ sinh lố giờ, nói chuyện trong giờ làm việc... cũng đều quy ra thành tiền để phạt.
 
Ức chế vì bị phạt, CN đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh và TP HCM. Cuối cùng, lo ngại bất ổn, công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với ông C.
 
Một trường hợp khác: CN làm mất thẻ ra vào bị phạt 100.000 đồng, nghỉ không phép 1 ngày bị trừ hết tiền chuyên cần... là những hình phạt được “tư vấn” bởi ông N.K.T, trưởng phòng nhân sự một công ty may tại quận 12, TP HCM. Tiếp xúc với đoàn công tác liên ngành quận, ông T. lý giải việc phạt trừ tiền chuyên cần là để tạo sự công bằng và siết chặt kỷ cương.
 
Tuy nhiên, lập luận nêu trên đã bị đoàn liên ngành bác bỏ: Doanh nghiệp (DN) xây dựng chính sách này để khuyến khích CN làm việc, sao cứ nhăm nhe phạt vạ, gây ức chế cho CN? Trước áp lực của các cơ quan chức năng, DN phải hủy bỏ những quy định đi ngược lại quyền lợi của số đông lao động và trái pháp luật.
 
Doanh nghiệp lãnh đủ
 
Theo ông Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM), người làm công tác quản lý nhân sự là “linh hồn” của DN. Họ là người lên kế hoạch tuyển dụng, đãi ngộ; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cống hiến cho CN. Nếu người làm nhân sự thiếu hiểu biết và không công tâm thì hậu quả sẽ khó lường.
 
Tìm hiểu nguyên nhân các vụ ngừng việc vừa qua cho thấy rất nhiều vụ việc xuất phát từ cách hành xử kém của bộ phận nhân sự. Gặp chúng tôi mới đây, bà H.V - trưởng phòng nhân sự một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCX Linh Trung, TPHCM - kể lại câu chuyện mà bà cho là “kinh nghiệm xương máu” trong công tác quản lý. Cách đây không lâu, dù chưa có đủ bằng chứng để khẳng định lỗi của một nhóm CN nằm trong diện “nghi vấn lấy cắp hàng hóa”, bà H.V vẫn đề xuất giám đốc chấm dứt hợp đồng lao động. Khi CN kiện ra tòa, công ty thua kiện, phải bồi thường. Bà H.V sau đó cũng bị cho nghỉ việc vì gây thiệt hại cho công ty. “Nóng vội trong hành xử, tôi đã trả giá bằng chính công ăn, việc làm của mình” - bà H.V thừa nhận.
 
Từ những va vấp trong công tác quản lý, bà Lê Nguyễn Anh Thư, trưởng phòng nhân sự một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương, đúc kết: “Ngoài kiến thức chuyên môn, người làm công tác nhân sự phải hiểu rõ thói quen sinh hoạt và tâm lý của CN. Để họ cảm thấy thoải mái tại nơi làm việc và gắn bó lâu dài, người phụ trách nhân sự phải hiểu thật kỹ đặc thù DN, từ đó tham mưu cho DN xây dựng cơ chế điều hành, quản lý phù hợp”.
 
 

 Ông Bùi Thế Nam - Giám đốc Nhân sự Công ty Hoàng Minh, TP HCM:


Phải vì lợi ích chung
 
Kiến thức nền chỉ là điều kiện cần để người làm công tác nhân sự tránh được rủi ro trong quá trình tham mưu, tư vấn thực hiện chính sách tại DN. Tố chất cần có của người làm nhân sự là phải công tâm, vì lợi ích chung của DN và người lao động chứ không vì bản thân mình. Nhất thiết, trước khi tham mưu cho DN triển khai các chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động, người làm nhân sự phải tham khảo ý kiến của Công đoàn cơ sở.
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo