Thị trường

Thị trường gạo thơm: Vàng thau lẫn lộn

Từ đầu tháng 11 đến nay, giá gạo nguyên liệu tại TP.Hồ Chí Minh tăng 500 – 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người bán gạo không tăng giá bán, tìm hiểu cho thấy việc giữ giá chỉ là chiêu lừa bởi họ trộn thêm gạo thường vào gạo ngon.

Theo ghi nhận ở các sạp bán lẻ, giá gạo thường tăng từ 12.000 đồng/kg lên đến 13.000 đồng/kg. Một số loại gạo dẻo, mềm từ mức 14.000 – 15.000 đồng/kg hôm đầu tháng 11, nay là 15.500 – 16.000 đồng. Các loại gạo ngon đều ở mức trên 18.000 đồng/kg.

Một tên gọi, mười loại giá

Sáng ngày cuối tuần, chị Thuỷ ở đường Âu Dương Lân, quận 8 ghé sạp gạo gần nhà định mua 10kg gạo hương lài nhưng có nhiều loại gạo hương lài khác nhau nên không biết chọn thứ gì. Mỗi nơi rao bán mỗi giá, gạo thơm lài của Công ty Đông Nam Á có đến bốn loại: lài sữa giá cao nhất là 20.000 đồng/kg, lài sữa Miên giá 19.000 đồng/kg, hương lài trong và lài sữa (thường) là 17.000 đồng/kg. Công ty Hoà Phát bán gạo hương lài sữa dẻo chỉ 15.000 đồng/kg. Lài sữa của Gạo Việt có giá 19.800 đồng/kg. Hương lài thương hiệu Hoa Gạo được bán với mức thấp hơn là 16.800 đồng/kg. Doanh nghiệp gạo miền Tây 247 đưa ra gạo hương lài 20.700 đồng/kg và hương lài 17.200 đồng/kg. Gạo Phương Nam cũng chia làm hai loại lài sữa 16.500 đồng/kg và lài sữa đặc biệt 18.000 đồng/kg. Còn mức giá thấp nhất, chỉ 13.000 đồng/kg là hương lài Sông Hậu và hương lài Long An…

Thấy chị Thuỷ phân vân, người bán giải thích: “Muốn cơm không ướt, dẻo, thơm, ngon thì nên chọn loại gạo hương lài có giá cao. Còn loại có giá rẻ hơn thì cơm cứng, không ngon bằng…”

 

 

Gạo thơm lài. (Nguồn: Internet)

 


Chưa hết, cùng một loại gạo hương lài nhưng mỗi nơi giới thiệu một cách khác nhau. Chẳng hạn, nhà kinh doanh gạo thương hiệu Làng Ta, giới thiệu: “Hạt gạo hương lài có màu trắng trong, dài hạt. Khi được sấy đến ẩm độ thấp sẽ cho màu đục như sữa mà trên thị trường thường hay gọi là lài sữa. Hạt gạo có mùi hương hoa lài. Đặc biệt toả mùi rất thơm khi nấu. Cơm dẻo, thơm, hạt cơm săn chắc, ngọt và vẫn dẻo khi để nguội”. Còn công ty nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) mô tả: “Gạo hương lài có các đặc tính rất đặc trưng của các loại gạo đặc sản của đồng bằng sông Cửa Long đó là khi nấu chín hạt cơm thơm mát, mềm dẻo và trắng óng, hương vị đậm đà hơn so với các loại gạo đặc sản khác, cơm thơm, mềm và dẻo”. Còn đơn vị kinh doanh gạo thơm lài Long An chỉ mô tả đơn giản: “Cơm dẻo, mềm, khi nấu cơm có mùi thơm. Hạt gạo dài trắng trong suốt”.

Theo các nhà khoa học, Việt Nam chỉ có hơn mười giống lúa gạo thơm, trong khi đó thực tế ghi nhận từ thị trường đang bày bán trên 100 loại gạo khác nhau. Gạo hương lài thực chất chế biến ra từ giống lúa KDM, trồng được quanh năm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, từ tháng 10 đến hết tháng 12 dương lịch, thị trường còn xuất hiện loại gạo hương lài Campuchia (lài sữa Miên). Hai loại gạo này cùng giống lúa KDM, nhưng trồng ở Việt Nam chỉ ba tháng, còn Campuchia bốn tháng nên cơm dẻo, thơm, ngon hơn. Với giá lúa KDM hiện nay thì khi chế biến ra gạo hương lài (Việt Nam) chỉ dao động 16.000 – 17.500 đồng đồng/kg; còn gạo lài sữa Miên phải từ 25.000 – 27.000 đồng/kg. Việc có một loại gạo hương lài nhưng lại có nhiều giá bán khác nhau chỉ là do các đại lý, vựa kinh doanh tự sáng tác ra để lừa người dùng.

Ngoài hương lài, thị trường còn có gạo một bụi, tài nguyên, tám thơm, thơm Thái, thơm Đài, thơm Nhật, nàng hương, nàng thơm, ngọc nữ… Mỗi loại còn chia nhóm nhỏ thành loại 1, loại 2, loại đặc biệt hoặc thêm đặc tính như sữa, trong, dẻo… Điều này tạo ra sự đa dạng trong thị trường, khiến người tiêu dùng bối rối khi lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ ở Tân Bình kể: “Tôi không thể phân biệt được thơm Đài, thơm Thái với thơm đặc biệt, vì khi mua ở ba chỗ khác nhau, về nấu lên cho hạt cơm không khác nhau mấy, chỉ khác nấc giá chênh nhau 1.000 – 3.000 đồng/kg”. Thử mua gạo tài nguyên ở một số điểm bán khác nhau, khi rải nắm gạo trên lòng bàn tay, quan sát sẽ thấy có nơi hạt gạo pha lẫn trong và đục, có nơi gạo đục chiếm đa phần có pha ít hạt dài, có nơi gạo hạt trong lại nhiều hơn…

Trộn gạo thường bán giá gạo thơm

Sau nhiều ngày tìm hiểu chúng tôi mới được ông Nguyễn Văn Nguyên, nhà kinh doanh gạo tại khu vực quận 8 bật mí chiêu thức trộn gạo của các đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo. Làm trong nghề buôn bán gạo lâu năm, ông Nguyên thừa nhận các loại gạo thơm trên thị trường chỉ chế biến từ hơn mười giống lúa như quan điểm của các nhà khoa học. Việc một loại gạo có cùng tên gọi, nhưng mức giá bán khác nhau là do các chủ vựa kinh doanh pha trộn giữa các loại gạo với nhau.

 

Để chứng minh, ông Nguyên bốc hai nắm gạo ở hai bao khác nhau lên giải thích: gạo thơm lài chính gốc chế biến từ gạo KDM, giá chính gốc khoảng 16.000 – 17.500 đồng/kg, nhưng khi trộn thêm một tỷ lệ khoảng 20 – 30% gạo chế biến từ giống lúa thơm OM 4900 (giá gạo gốc khoảng 11.000 đồng) thì bán với giá dưới 14.000 – 15.000 đồng vẫn có lời. Sở dĩ thị trường có gạo thơm lài giá 19.000 – 20.000 đồng do đại lý trộn gạo hương lài giá rẻ chế biến từ giống lúa Việt Nam với gạo lài Miên. “Tỷ lệ trộn sẽ quyết định giá bán ở mức nào. Nhưng thường thì khoảng 20 – 30% gạo thường trộn với 70 – 80% gạo thơm”, ông Nguyên tiết lộ.

Theo một số chủ vựa kinh doanh gạo, nguyên tắc pha trộn, là người bán tìm những loại gạo có đặc điểm gần giống nhau như độ dài, độ trong, độ đục, độ dẻo… có mức giá rẻ để pha trộn vào loại có mức giá cao làm giảm giá thành.

Ông Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty gạo Vinh Phú với thương hiệu gạo Làng Ta cho rằng thị trường gạo hiện nay hầu như không được kiểm soát cả về chất lượng, giá cả lẫn tên gọi. Gạo sau khi xay xát, lau bóng được đại lý mua từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về rồi tự pha trộn, tự niêm yết giá bán mà không có bất kỳ cơ quan chức năng nào giám sát. Việc bỏ lỏng quản lý tạo kẽ hở để các đại lý, cửa hàng dùng chiêu trộn gạo thường vào gạo thơm, trộn gạo chất lượng kém vào gạo chất lượng cao để lừa người tiêu dùng. Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark, cũng cho biết: “Tên gọi của gạo trong siêu thị khác biệt so với bên ngoài, vì siêu thị gọi tên theo thương hiệu do nhà cung cấp đưa vào. Còn thị trường gọi tên theo nơi bán, nên khó so sánh chất lượng và chủng loại của một loại gạo nào đó trong siêu thị với bên ngoài”.

 

 

Thái Bình (Theo SGTT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo