Hỗ trợ doanh nghiệp

Thị trường Tây Bắc Campuchia: Cơ hội rộng mở

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) tiếp tục tổ chức hội chợ triển lãm thương mại Việt Nam – Campuchia (Ho Chi Minh City Expo 2012) tại Battambang từ 21/11 đến 25/11/2012.

Ông Trương Minh Châu, phụ trách kinh doanh của cơ sở sản xuất Lili (Lilico) khẳng định người tiêu dùng ở vùng Tây Bắc Campuchia (gồm các tỉnh Battambang, Pursat, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Pailin, Siem Reap) đã bắt đầu chú ý tới hàng Việt Nam nhiều hơn từ năm 2009 khi ITPC tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại Battambang. Khảo sát các chợ, cửa hàng và siêu thị ở vùng Tây Bắc Campuchia vào tháng 11.2011, một số mặt hàng thương hiệu Việt Nam thuộc các ngành thực phẩm chế biến, nước giải khát, nước chấm, gia vị, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc tóc và làm đẹp... đã có được chỗ đứng khá tốt.

Ông Huỳnh Tấn Phong, phó giám đốc ITPC cho biết các doanh nghiệp ở vùng Tây Bắc Campuchia đang sẵn sàng kết nối hợp tác sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Một doanh nghiệp ở Battambang có nhà máy sản xuất gạo rất lớn, đang đầu tư mở siêu thị, họ mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào và có khả năng sẽ miễn tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp Việt Nam trong ba năm. Chính quyền sáu tỉnh Tây Bắc Campuchia sẽ cùng ITPC tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch vào ngày 21/11/2012. Có thể nói cơ hội đang rộng mở cho hàng Việt Nam ở thị trường Tây Bắc Campuchia.

Tuy nhiên, ông Trương Minh Châu chia sẻ với các doanh nghiệp về một thực trạng làm ảnh hưởng xấu uy tín hàng Việt Nam. Đó là khi đi hội chợ ở Campuchia, khi đã quyết định đưa ra giá của một mặt hàng nào thì phải giữ giá từ đầu hội chợ đến hết hội chợ. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ, ngày đầu bán một giá, thấy sức mua không cao nên những ngày sau hạ giá bán. Từ đó, tạo cho người dân Campuchia tâm lý chờ đến ngày cuối hội chợ mới mua để được giá rẻ, và làm cho họ nghi ngờ về giá cả hàng Việt Nam. Theo ông Châu, để chiếm thiện cảm người tiêu dùng Campuchia, phải chân tình, làm sao truyền tải được thông tin doanh nghiệp Việt Nam bán hàng không đặt nặng lời nhiều trên một sản phẩm mà lợi nhuận có được là nhờ bán số lượng nhiều. Khi cảm nhận được điều đó là sự thật (có so sánh nhãn hiệu hàng cùng loại của nước khác), người tiêu dùng Campuchia sẽ thích mua hàng Việt Nam.

Ông Châu lưu ý thêm khi sang thị trường Campuchia, thì cầu nối đưa sản phẩm Việt Nam đến tay người tiêu dùng chính là người Campuchia. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tốn quá nhiều chi phí đưa nhân viên Việt Nam sang và chỉ thuê một người Campuchia phụ giao dịch, hiệu quả không đạt bằng doanh nghiệp thuê toàn bộ nhân viên bán hàng tại hội chợ là người Campuchia đã được doanh nghiệp huấn luyện cách giới thiệu sản phẩm và hiểu rõ chất lượng sản phẩm. Người Campuchia vẫn có thói quen mua hàng ở chợ, tiệm tạp hoá, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tận dụng thời gian đi tiếp xúc tiểu thương, giới thiệu hàng với họ. Tiểu thương phản ảnh nhiều mặt hàng Việt Nam đã bán tại chợ khá tốt, nhưng chưa hề thấy doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đó đến hỏi han, ghi nhận ý kiến để cải tiến sản phẩm cho thật sự cạnh tranh được với hàng Thái Lan và Trung Quốc.

 

 

Thảo Nguyên (Theo SGTT)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo