Xã hội

Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa: "Đòi tiền" thế nào?

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa hướng dẫn chi tiết những người đã tham gia mạng lưới đa cấp "đòi tiền" sau khi Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa.

Ngày 11/5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố quy trình, thủ tục thanh lý hợp đồng bán hàng đa cấp với người tham gia sau khi Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động. 

Cụ thể, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 26/4/2017. Thiên Ngọc Minh Uy sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng và hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của Nghị định 42/2014 đối với các chuyên viên kinh doanh của công ty trong vòng 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động. Ảnh Zing news

Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thanh lý hợp đồng (theo mẫu), hợp đồng bán hàng đa cấp, đơn đặt hàng, phiếu xuất kho, hàng hóa… và các giấy tờ liên quan đến tư cách, nhân thân của chuyên viên kinh doanh (yêu cầu bản chính).

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ tới bộ phận nghiệp vụ tại trụ sở chính Công ty (đối với khu vực từ Quảng Bình trở ra) hoặc Chi nhánh TP.HCM (đối với khu vực từ Quảng Trị trở vào).

Tại trụ sở chính và Chi nhánh TP.HCM, bộ phận nghiệp vụ có trách nhiệm: Kiểm tra, đảm bảo tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, bộ phận nghiệp vụ sẽ thông báo cho chuyên viên kinh doanh bổ sung hồ sơ tại nơi tiếp nhận hồ sơ lần đầu; chuyển hồ sơ tới bộ phận kế toán khi hồ sơ đã đầy đủ.

Bộ phận nghiệp vụ có trách nhiệm thông báo và mời chuyên viên kinh doanh lên trụ sở chính công ty hoặc Chi nhánh TP.HCM để thống nhất nội dung biên bản thanh lý và ký kết biên bản thanh lý. Sau khi Biên bản được ký kết, bộ phận nghiệp vụ chuyển hồ sơ tới bộ phận tài vụ.

Trên cơ sở hồ sơ hợp lệ đã được kiểm soát qua các phòng ban nêu trên, bộ phận tài vụ sẽ tiến hành lập phiếu chi giao thủ quỹ chi trả các khoản quyền lợi cho chuyên viên kinh doanh theo đúng quy định. 

 

Trong trường hợp chuyên viên kinh doanh chưa nhất trí, thống nhất được nội dung biên bản thanh lý, công ty sẽ có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành về phương án giải quyết.

Với trường hợp người tham gia đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy không thống nhất với phương án giải quyết của công ty này thì có thể thông báo tới Sở Công Thương tại địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để được hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi. 

Cụ thể, nếu là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trực tiếp thụ lý và hỗ trợ người tham gia theo quy định của Nghị định 42.

“Nếu là tranh chấp dân sự khác ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 42, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hướng dẫn người tham gia khởi kiện ra toà dân sự để được xem xét bảo vệ quyền lợi”, Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.

Cơ quan quản lý của Bộ Công Thương cũng cho hay, trường hợp người tham gia có lý do để cho rằng mình đã bị lừa đảo, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hướng dẫn người tham gia làm Đơn tố giác tội phạm và gửi tới cơ quan công an để được xem xét xác minh.

 

Bộ Công Thương sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Trường hợp không thống nhất với phương án giải quyết của Thiên Ngọc Minh Uy, người tham gia có thể thông báo tới Sở Công Thương tại địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để được hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi.

Nên đọc
Trân Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo