Thị trường

Thịt lợn giống siêu nạc không có hại

Trong khi nhiều người tiêu dùng lo ngại trước thông tin về thịt lợn siêu nạc có chứa hóa chất độc hại, các chuyên gia về thực phẩm lại khẳng định: không nên hoang mang, nhầm lẫn giữa thịt lợn giống siêu nạc và thịt lợn siêu nạc do hóa chất.

Giống lợn nạc hơn 60%


 
Một thực tế là hiện nay nhiều bà nội trợ ngại mua thịt lợn quá nạc, nhiều người bảo nhau không nên mua lợn có thịt nạc gần sát da hoặc lợn ít mỡ... "Từ trước tới nay đi chợ tôi đã phải rất cẩn thận để tránh mua thịt lợn siêu nạc, nay lại nghe thịt siêu nạc có chứa hóa chất độc hại thì thật là sợ. Cách tốt nhất có lẽ là phải chọn thịt có mỡ, nhất là phần mỡ phải trắng mới ngon", chị Nguyễn Hồng Nga ở 184 Hoa Bằng, Hà Nội cho biết.
 
 
 
Cùng chung cách nghĩ như chị Nga, bà Trần Thị Thúy (ngõ Trung Kính, Hà Nội) cũng chia sẻ kinh nghiệm nên mua thịt lợn có bì dày, mỡ trắng và dày, phần nạc phải tươi, sờ vào miếng thịt rắn là thịt ngon, không phải loại tăng trọng, siêu nạc.


 
Trước các ý kiến truyền tai nhau của người dân về các kinh nghiệm tránh mua phải thịt siêu nạc như vậy, các chuyên gia khẳng định nên hiểu  rõ rằng thịt giống lợn siêu nạc là hoàn toàn vô hại. TS Phan Thanh Tâm, Viện Khoa học & Công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng,  thịt lợn nạc hiện nay chủ yếu là do giống lợn siêu nạc và lợn lai. "Nếu ngày xưa giống thịt thuần mỡ nhiều thì nay thịt lợn nạc hơn 60%, mỡ lưng lợn thuần trước dày khoảng 5cm thì nay chỉ khoảng 1cm", TS Thanh Tâm cho hay.



Thịt nạc trên thị trường đa phần là do giống. Giống này đã được lai tạo khá lâu và được các công ty nhà nước đến tư nhân sử dụng. Ngay cả các thành phố lớn đến vùng miền núi đều sử dụng giống này nên người dân có thể an tâm, không nên tin vào các lời đồn đại.

TS Vũ Chí Cương


 
TS Vũ Chí Cương, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, thịt lợn siêu nạc trên thị trường hiện nay chiếm đa phần. Các giống đó được nhập từ nước ngoài về qua các đời di truyền hoặc giống địa phương thuần lai với giống thịt siêu nạc, đã được các cơ quan có trách nhiệm về chăn nuôi nghiên cứu và chấp nhận được chăn nuôi và tiêu thụ ở Việt Nam. Với các loại thịt lợn này tỷ lệ nạc cao, thậm chí mỡ dưới lớp bì không có.


 

Lợn có hóa chất là rất hiếm


 
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Bộ môn Siêu vi trùng, Viện Thú y T.Ư, hóa chất thường được người chăn nuôi sử dụng giúp tạo nạc và tăng trọng cho lợn là Clenbuterol. Hóa chất này còn được dùng ở người, đặc biệt là đối với những người luyện tập thể hình, để hạn chế lượng mỡ thừa của cơ thể, giúp cơ bắp nở nang, săn chắc.

 

Hiện trong ngành chăn nuôi có giống lợn siêu nạc, nhưng một số những hộ chăn nuôi cá thể vẫn sử dụng thêm hóa chất này để tăng trọng mạnh hơn. Vì trên thị trường hiện vẫn có bán loại hóa chất này nên khó kiểm soát được việc người dân có sử dụng hay không.

 

Nhưng lợn trong quá trình chăn nuôi có thể kiểm soát được việc sử dụng hóa chất này bằng cách xét nghiệm nước tiểu hoặc lợn sau khi giết thịt thì có thể xét nghiệm thịt để xác định lượng hóa chất tồn dư trong thịt.


 
TS Phan Thanh Tâm, Viện Khoa học & Công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, việc sử dụng chất kích thích trong chăn nuôi lợn nếu có chắc chắn chỉ là tỷ lệ rất ít, bởi đã có quy định cấm từ lâu.


 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc trên thị trường với thịt sử dụng chất kích thích về mặt cảm quan. Nhưng có thể xác định nhờ tính chất thịt lợn sử dụng cách tích nước để làm tăng trọng lượng nên thịt tăng trọng khi nấu sẽ ra nhiều nước và hao thịt hơn.

 

Còn ở một phương diện nào đó thì thịt này cũng có màu đỏ tươi hơn thịt thường. Tuy nhiên, các biểu hiện này không phải lúc nào cũng có thể nhận rõ.


 
Các chuyên gia cũng khẳng định, hiện tượng dùng chất kích thích, nếu có, sẽ là không cao; Nhưng vẫn cần sự kiểm soát gắt gao của các nhà quản lý. "Việt Nam không thể sản xuất được chất này mà chủ yếu nhập không chính ngạch từ Trung Quốc, trong khi ở Trung Quốc những người sử dụng chất kích thích này có thể sẽ bị tử hình", TS Vũ Chí Cương cho hay.
 

Theo Bee.net

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo