Pháp luật

Thông tư 02 của Bộ Xây dựng bị "tuýt còi"

Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của Thông tư số 02 theo thẩm quyền; yêu cầu thông báo kết quả xử lý vào ngày 11/ 3.

Theo đó, Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhà và công sở có một số điểm không hợp lý, có thể gây tình trạng "phạt trồng phạt". 

 
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02 quy định: “Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó”. Trong khi đó, Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định “Sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có)”.
 
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính thì hành vi tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý. Còn vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý. Nhưng Thông tư số 02 của Bộ Xây dựng đã mở rộng hơn việc xử lý vi phạm hành chính so với quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, gây nhầm lẫn giữa quy định về “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”. Điều này khiến người có thẩm quyền có thể áp dụng để xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 
 
Theo DDDN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo