Tài chính - ngân hàng

Thông tư 36 lại nóng trước giờ G

Mối quan tâm của giới đầu tư đang nóng dần, bởi chỉ còn ít ngày nữa (ngày 1/2), các quy định về giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ có hiệu lực.

Một số thông tin cho biết, việc các cơ quan hoạch định chính sách đang họp bàn liên quan đến nội dung Thông tư 36 càng gợi lên những suy đoán về khả năng văn bản này vẫn có thể được gia hạn.

 

Thông tư 36 sẽ giúp TTCK phát triển bền vững bằng nguồn tiền thực, chứ không thể kỳ vọng từ nguồn vốn tín dụng


Hiện đại diện các cơ quan liên quan vẫn tỏ ra khá im hơi lặng tiếng, ngay cả đại diện các tổ chức hiệp hội cũng ngần ngại khi bình luận về những vấn đề liên quan đến việc nên hay không nên sửa đổi văn bản này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cho biết, hiện chưa thể nói được bất cứ điều gì về vấn đề này.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại đồng thuận với các nội dung của Thông tư 36. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho biết, việc ra đời Thông tư 36 đã làm thị trường chứng khoán giảm điểm, nhưng sự giảm điểm chủ yếu do nhận thức của nhà đầu tư cộng với tác động của giới đầu cơ.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Thông tư 36, đại diện VAFI cũng phủ nhận quan điểm cho rằng, Thông tư 36 có thể ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Theo VAFI, nhà đầu tư khi đã xác định đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, muốn thành công phải nghiên cứu kỹ tình hình tài chính, khả năng phát triển doanh nghiệp và phải đầu tư lâu dài, vì thế sẽ ít có chuyện dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có vay, thì chỉ ở tỷ trọng thấp).

Trở lại các nội dung của Thông tư 36, ở góc độ nhà đầu tư chứng khoán, Thông tư 36 được giới đầu tư quan tâm đến một số vấn đề chính: giới hạn sở hữu chéo tối đa được quy định là 5%; giới hạn tổ chức tín dụng không được góp vốn quá 11% đối với doanh nghiệp nhận góp vốn, các ngân hàng muốn cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu phải có nợ xấu dưới 3%, tổng khoản cho vay đầu tư chứng khoán không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng...

Điều khiến nhiều nhà đầu tư “thót tim” sau khi Thông tư 36 ra đời là mường tượng của giới đầu tư về một dòng tiền hùng hậu sẽ bị siết lại sau khi văn bản này có hiệu lực.

Trên thị trường chứng khoán, một “thế lực vô hình” chính là các dòng tiền vay mượn vòng vèo từ các ngân hàng, qua nhiều kênh khác nhau đang trôi chảy trên thị trường chứng khoán có quy mô lớn đến mức nào. Dòng tiền này không phải chỉ cấp trực tiếp từ các ngân hàng cho các nhà đầu tư, mà còn thông qua kênh trung gian là các công ty chứng khoán.

Theo đó, một số công ty chứng khoán có dịch vụ giao dịch ký quỹ lớn sẽ không thực sự ủng hộ quan điểm từ Thông tư 36 trong việc siết dòng tiền này, vì nó có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, ở góc nhìn dài hơi hơn, một số nhà quan sát cho rằng, tỷ lệ giao dịch ký quỹ quá cao không phải là câu chuyện hay và để thị trường phát triển bền vững, cần đưa tỷ lệ này xuống thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, tỷ lệ giao dịch ký quỹ với từng cổ phiếu phải khống chế theo giới hạn mới an toàn hơn. Chẳng hạn, tối đa không quá 20%, chứ không phải là mức 50% như hiện nay. “Đây là mức quá cao, sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi không chỉ người đi vay, mà cả thị trường chứng khoán”, ông Hải nói. Bởi lẽ, việc không kiểm soát được tình trạng sử dụng giao dịch ký quỹ trong mọi tình huống tương lai không chỉ ảnh hưởng xấu đến tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư đi vay, mà còn ảnh hưởng cả đến quyền lợi của khối nhà đầu tư không vay tín dụng và toàn thị trường.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, việc đưa ra một khung giới hạn dòng vốn vay đổ vào thị trường chứng khoán là đúng và cần thiết, nhưng thực hiện việc một cách quá nôn nóng, có thể sẽ giống như một “cú phanh gấp”. Điều này có thể gây ra hậu quả khó lường.

Do đó, quan điểm cần xem xét lại một số nội dung, cũng như lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 không phải không có cơ sở và hiện vẫn còn thời gian để các nhà hoạch định đưa ra quyết sách cuối cùng liên quan đến văn bản này.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc cho rằng, không nên lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 và phải áp dụng đúng lộ trình là đầu tháng 2/2015. Theo ông Thanh, Thông tư 36 sẽ giúp thị trường phát triển bền vững bằng nguồn tiền thực, chứ không thể kỳ vọng từ nguồn vốn tín dụng. Hơn nữa, nếu trì hoãn thực hiện các quy định tại Thông tư 36 sẽ tạo thành một tiền lệ không hay.

Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo