Xã hội

Thủ tướng: Không chúc tết lãnh đạo, không phong bao, phong bì

(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành; lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết.

Trong 2 ngày (28 và 29/11/2016), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ, hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp thì điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế. Đây cũng là một đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung làm tốt nhiệm vụ này; trong đó phải tạo được thể chế tốt, thuận lợi với cơ chế chính sách đột phá để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt, đưa chính sách vào cuộc sống.

Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát kỹ, xây dựng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện, hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể.

Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11.

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%. Thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát.

Tiếp tục chủ động xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn kế hoạch 2016 và vốn được bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 60. Đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công,…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có các giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. Tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ  đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý;...

Tiếp tục bán vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.

 

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường diễn ra ở nhiều nơi; Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải kịp thời rà soát; đánh giá, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Về an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương phải tập trung xử lý ngay những vấn đề bức xúc, nhất là về vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính trên phạm vi địa bàn; tăng cường phối hợp; thông tin truyền thông; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu NSNN, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

“Ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí  thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Nhấn mạnh chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các thành viên Chính phủ có các biện pháp triển khai ngay nhiệm vụ chăm lo Tết cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt để công tác này được chủ động hơn, việc chăm lo cho đời sống nhân dân được tốt hơn.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo