Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng: "Ổ mối như cái trống trong thân đê mà không phát hiện ra thì kiểm tra cái gì?"

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai vào sáng nay (29/3) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình một số địa phương trong công tác kiểm tra đê điều trước mùa mưa bão còn thiếu trách nhiệm, có trường hợp để xảy ra chuyện "trong thân đê có ổ mối to như cái trống mà không phát hiện ra...".

Hôm nay 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai (PCTT), khi mà những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp…

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, cá nhân, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhưng năm 2017 chúng ta vẫn chịu thiệt hại rất nặng nề với 386 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng.

"Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận trong những đợt thiên tai lớn gần đây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng đang có xu thế gia tăng; thực tiễn công tác phòng chống thiên tai hiện nay đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế cũng như những thách thức mới cần đánh giá, xác định nguyên nhân cũng như đề ra giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ giải quyết kịp thời trong thời gian tới" - ông Cường phát biểu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh cũng đã có các bài phát biểu tham luận về tình hình công tác phòng, chống thiên tai và đề xuất những kiến nghị với Chính phủ, Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ khắc phục những vấn đề hạn chế ở địa phương mình.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTT thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác PCTT và Thủ tướng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Phải có tổ chức bộ máy và thể chế tốt hơn nữa để phục vụ công tác PCTT; bộ máy phải gọn và tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm với công việc phải cao và luôn phải gắn với quyền lợi của người dân, hướng tới người dân; thể chế chính sách pháp luật chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện cả quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo an toàn hay các chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác PCTT.

 

Ngoài ra, phải nâng cao năng lực điều hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ban chỉ đạo các cấp phải hoạt động liên tục có hiệu quả, chủ động chứ không phải đến mùa mưa lũ mới hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCTT và tham mưu đề xuất với Chính phủ về nội dung này. Bên cạnh đó, vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong công tác PCTT phải nghiêm minh, khi họp về thiên tai bão, lũ phải đông đủ các cấp, các ngành và người có trách nhiệm thì mới quyết định được những tình huống cụ thể. Công tác truyền thông về PCTT phải hết sức chú trọng, truyền thông bằng nhiều phương thức khác nhau để những thông tin kiến thức PCTT và những nguy cơ thiên tai phải đến được với người dân một cách đầy đủ và kịp thời.

Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ về lĩnh vực PCTT cũng cần được quan tâm một cách đúng mức.

Cuối cùng, Thủ tướng nêu giải pháp cho từng vùng như sau: Đối với Khu vực miền núi phía Bắc cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề lũ quét, sạt lở đất và an toàn các hồ chứa, đê từ đó có các giải pháp phòng, ngừa ứng phó phù hợp và kịp thời.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì các công trình về PCTT phải được đảm bảo an toàn cho toàn vùng. Khu vực này còn có nhiều hệ thống đê rất quan trọng cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Thủ tướng lưu ý "Thời chiến tranh, người Pháp luôn bố trí người canh gác đi lại tại các điếm trên những tuyến đê, trước mùa mưa bão họ đều phát hiện được hết các ổ mối hay các điểm có nguy cơ rủi ro, còn ở mình một số nơi ô mối trong các thân đê to như cái trống còn chẳng phát hiện ra thì kiểm tra, kiểm soát cái gì?; khi có mưa lớn đê bục ra thì ứng phó làm sao kịp".

 

Thủ tướng cho rằng, các tuyến đê ở miền Bắc là tài sản quý báu của dân tộc, do đó, chúng ta phải tiếp tục giữ gìn chứ đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Đối với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, có độ dốc lớn, do đó vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản cần chú ý.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với trên biển và ven biển, không được chủ quan, quy trình tàu vào - ra phải kiểm soát chặt chẽ, kết hợp giữa biên phòng và lực lượng phòng chống bão lụt ở địa phương, “đừng để tình trạng gọi mãi mà tàu không về”. Cần có phương án ứng phó trong tình huống xảy ra siêu bão.

Đối với các đô thị lớn, phải rà soát tiêu chuẩn, khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt, hạn chế tối đa việc san lấp hồ để tạo mặt bằng xây dựng, giảm không gian chứa nước. Quan tâm việc chăm sóc cây xanh trong thành phố, không để tình trạng cây xanh đổ gây chết người như một số trường hợp đã xảy ra.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo